Gia đình, dòng họ là nòng cốt, khởi nguồn để phát triển văn hóa dân tộc

Đắc Quang
06:00 - 16/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, các đại biểu đều khẳng định rằng, gia đình, dòng họ là nòng cốt, khởi nguồn để phát triển văn hóa dân tộc.

Ngày 15/8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Gia đình, dòng họ là nòng cốt, khởi nguồn để phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan kết luận tại hội thảo. Ảnh: Thành Văn

Kết luận tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nhấn mạnh những điểm quan trọng đã được các đại biểu nêu ra.

Lồng ghép mô hình Gia đình học tập vào tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa

Về phát biểu chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo đó. Đồng thời triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học ở thực tiễn để phát huy vai trò văn hóa gia đình, dòng họ trong mối quan hệ với phát triển của văn hóa dân tộc.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua giáo dục truyền thống từ gia đình, dòng họ đóng vai trò nòng cốt, là mạch nguồn để văn hóa dân tộc phát huy giá trị truyền thống, để hội nhập thành công. Bởi truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là cơ sở hình thành văn hóa dân tộc Việt Nam.

Gia đình, dòng họ là nòng cốt, khởi nguồn để phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Văn

Các tham luận đều khẳng định vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, thực hiện khuyến học - khuyến tài thông qua mô hình học tập, nhằm phát huy truyền thống tổ tiên, hướng về cội nguồn. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh trong việc thực hiện tốt giải pháp góp phần bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống của làng xã, những nét đẹp của con người Việt Nam.

Để phát huy những giá trị này cần thấy được mối quan hệ giữa giáo dục và văn hóa. Giáo dục là một nội dung của văn hóa. Giáo dục là tiền đề để phát triển văn hóa. Do đó cần nghiên cứu mối quan hệ trên một cách căn cơ trong bối cảnh hiện nay.

"Trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch lồng ghép mô hình Gia đình học tập vào tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa. Nếu không có Gia đình học tập thì không thể có Gia đình văn hóa.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa văn hóa giáo dục và văn hóa dân tộc cần được các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu để giáo dục văn hóa phát huy vai trò khi xây dựng văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. 

Phát biểu chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rất cặn kẽ tới vấn đề này. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp để nghiên cứu, cùng xây dựng hai khía cạnh văn hóa và giáo dục", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Xây dựng xã hội học tập tốt là tiền đề xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định vai trò của Ban Tuyên giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan trong chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt vai trò của giai cấp ủy Đảng, chính quyền tại địa phương. 

Đây là một chủ trương lớn của Đảng trong phát triển giáo dục theo hướng mở đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng xã hội học tập tốt là tiền đề xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các đại biểu trình bày tại hội thảo. Ảnh: Thành Văn

Bên cạnh đó, các ý kiến đánh giá vai trò của hội khuyến học các cấp trong triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các mô hình học tập xây dựng xã hội học tập.

Để phát huy văn hóa gia đình, dòng học trong xây dựng, phát triển văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đại biểu kiến nghị, trước tiên, các cấp, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội, về khuyến học - khuyến tài và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng thời đề nghị Đảng và Nhà nước sớm chỉ đạo để có những nghiên cứu về văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc; sớm xác định hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chuẩn xã hội phù hợp, đặc biệt, sẽ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp.

Văn hóa của gia đình đang chịu tác động từ những trào lưu. Vai trò của gia đình hiện nay cần được nghiên cứu sớm để có chiến lược phát triển gia đình trong thời kỳ mới.

Tất cả phát biểu trong hội thảo đều khẳng định rằng, vai trò của gia đình dòng họ là nòng cốt và khởi nguồn để phát triển văn hóa dân tộc.

"Tại hội thảo này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị hội khuyến học các địa phương hiểu sâu sắc hơn, nắm vững hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong sự nghiệp phát huy giá trị văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Từ đó có những tham mưu chuẩn xác, kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, để có kế hoạch quan tâm và phát triển của các mô hình học tập nhằm phát huy văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong thời kỳ mới, khơi dậy, phát huy truyền thống quý báu của các gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, xây dựng quê hương ngày càng phát triển thông qua xây dựng xã hội học tập thành công", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Bình luận của bạn

Bình luận