Khẳng định vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập
Ngày 15/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Hội thảo nhằm khẳng định tầm quan trọng, vai trò của gia đình, dòng họ trong tiếp nối truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời làm sáng tỏ vai trò học tập của mỗi người dân, gia đình, dòng họ và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, xây dựng gia đình văn hóa góp phần phát huy giá trị văn hóa phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.
Chủ trì hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt.
Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các đại biểu các ban, bộ, ngành, những người làm công tác tuyên giáo quản lý văn hóa, các cán bộ làm công tác khuyến học dự hội thảo tại hội trường Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương.
Tại các điểm cầu trực tuyến các địa phương, có đại diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đại diện lãnh đạo và cán bộ văn phòng cấp ủy, ban tuyên giáo, sở văn hóa thể thao và du lịch, hội khuyến học các tỉnh, thành phố và các gia đình, dòng họ tiêu biểu trong xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu cùng dự.
Cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cho biết, trong Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" có nêu rõ: "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn... lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
"Đã có một số cuộc hội thảo lớn thảo luận sâu nhiều vấn đề nhằm thực hiện mục tiêu do Nghị quyết 33-NQ/TW đề ra. Tại hội thảo này, chúng ta luận giải một khía cạnh góp phần thực hiện mục tiêu dưới góc độ xây dựng xã hội học tập từ gia đình, dòng họ nhằm bồi đắp tri thức cho mọi công dân Việt Nam để xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc, giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm phát triển bền vững đất nước bằng tri thức", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, sự thay đổi xã hội tại mỗi quốc gia cũng phát triển mạnh mẽ hơn khi mạng xã hội giúp các cá nhân có cùng quan điểm có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng.
Do đó, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay.
Hơn nữa, sự bùng nổ internet, mạng xã hội, các ngành công nghiệp giải trí đã tác động vào lối sống, đặc biệt là của giới trẻ - lực lượng chính xây dựng đất nước hiện nay và tương lai, tạo ra sự khác biệt giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Bởi vậy, đòi hỏi những cách tiếp cận mới về phát triển văn hóa trong mối tương quan giữa xây dựng xã hội học tập với văn hóa dân tộc và con người Việt Nam trong giai đoạn mới
Thời gian qua, tư duy và nhận thức về phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam vừa qua đã được nâng lên nhưng cần được nhìn nhận kết quả đó từ góc độ vai trò của gia đình, dòng họ một cách sâu sắc, thực tế và cụ thể hơn.
Hiện nay, vai trò của gia đình, dòng họ trong vấn đề này rất lớn nhưng chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu và lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là về văn hóa giáo dục, nhất là khi nguyên lý giáo dục sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đang bị mờ nhạt.
Cần đánh giá một cách toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định, từ trước tới nay, dù trong hoàn cảnh nào, gia đình cũng là tế bào xã hội, cũng giống như những tế bào trong cơ thể con người: tế bào khỏe mạnh thì cơ thể khỏe mạnh.
Gia đình cùng huyết thống tạo thành dòng họ. Dòng họ Việt Nam có tính tổ chức, nền nếp, thuận hòa, có nhiều truyền thống quý báu, là cái nôi giáo dục truyền thống.
Dòng họ Việt Nam luôn có tôn ti trật tự và luôn giữ gìn được những truyền thống quý báu của tổ tiên, đặc biệt là truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, nhân ái...
Nhiều năm trở lại đây, khi xã hội có nhiều thay đổi, việc con cháu tìm về dòng họ như là tìm một chỗ dựa về mặt tinh thần đang phát triển. "Việc họ" trở nên bận rộn hơn, các truyền thống của dòng họ cũng vì thế mà được tổ chức quy củ hơn. Văn hóa dòng họ vì thế mà được phát huy tốt hơn, mà văn hóa dòng họ lại gắn liền với văn hóa làng xã.
Nhận rõ được vai trò của gia đình, dòng họ học tập, từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị và đã được Chính phủ chấp nhận, giao nhiệm vụ cho Hội thực hiện các mô hình học tập, trong đó, có mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập".
Mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập, học tập suốt đời bồi đắp tri thức, xây dựng xã hội học tập ở nước ta để xây dựng đất nước phát triển toàn diện bằng tri thức.
Kết quả đạt được qua việc thực hiện các mô hình học tập nêu trên thể hiện rõ nét: gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế xã hội, văn hóa - giáo dục, an ninh quốc phòng... của địa phương.
"Đã đến lúc cần đánh giá một cách toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua việc thực hiện các mô hình học tập từ gia đình, dòng họ.
Từ đó có kiến nghị với lãnh đạo các cấp quan tâm đến phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ - một trong các giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn vậy thì cần có một cuộc hội thảo, thảo luận về vấn đề này.
Hội thảo hôm nay cũng là cơ sở quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và từ thực tiễn, nghiên cứu lồng ghép sớm mô hình gia đình học tập vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề xuất.
Tại Hội thảo này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự vui mừng về việc Hội thảo đã góp phần triển khai các nghị quyết của Đảng về tăng cường sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực giáo dục - khuyến học.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Thanh danh của gia đình, dòng họ được xây lên từ năng lực học tập của mỗi người. Học tập và học tập suốt đời chính là thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam mới với chuẩn mực phù hợp hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người Việt Nam mới.
Gia đình là môi trường đầu tiên khuyến khích, tạo điều kiện học tập, thúc đẩy sáng tạo của mỗi thành viên. Xã hội Việt Nam sẽ phát triển từ sự phồn vinh của các gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, dòng họ bền chặt, nền nếp gia phong, trên thuận dưới hoà, có tôn ti trật tự, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, thì sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết.
Văn hoá gia đình quan hệ dòng họ là nét đẹp văn hoá, phát triển, xây dựng dòng họ học tập có vai trò cốt lõi trong phát triển quốc gia, đóng góp tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội để các cấp các ngành, hệ thống chính trị quan tâm đến phát triển, thúc đẩy dòng họ học tập. Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong suốt thời gian qua.
Phát huy kinh tế tri thức, các gia đình dòng họ hưởng ứng phong trào học tập vừa phát triển nguồn nhân lực của đất nước, làm cho cộng đồng sung túc và hạnh phúc hơn.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các cơ quan, đoàn thể, ban ngành sau hội thảo này sẽ càng nhận thức sâu sắc vai trò của dòng họ. Thúc đẩy, xây dựng con người Việt Nam mới thích ứng với thế giới hiện đại, tạo điều kiện giáo dục bình đẳng, có tinh thần học tập cộng đồng, gắn với thực tiễn. Sự đóng góp và trách nhiệm của gia đình, dòng họ khiến các gia đình có lối sống văn hoá và thực sự là tổ ấm, là tế bào xã hội, tạo ra một xã hội hiếu học, có nhu cầu học tập.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng thúc đẩy dòng họ học tập sẽ thành công, đồng thời với xây dựng mô hình học tập gắn với tiêu chí mô hình cộng đồng, dân cư văn hoá tiên tiến đậm đà văn hoá dân tộc, chấn hưng văn hoá để toàn thể nhân dân ấm no và hạnh phúc.
72 báo cáo tham luận gửi về hội thảo
Báo cáo tổng quan các tham luận, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, đến ngày 5/8/2023, Ban Tổ chức đã nhận 72 báo cáo tham luận từ một số cơ quan đảng trung ương và địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số sở văn hóa, thể thao và du lịch, cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, hội khuyến học một số tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều hội khuyến học địa phương, hội đồng dòng họ tiêu biểu cấp trung ương và Hội đồng dòng họ địa phương cùng nhiều chi họ đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" giai đoạn 2014 - 2020 và một số gia đình học tập tiêu biểu.
Các báo cáo tham luận đã làm rõ nhiều nét chấm phá đặc biệt trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, đặc biệt là gia đình học tập, dòng họ học tập và mối quan hệ khăng khít giữa các mô hình này với xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập thông qua công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; mối quan hệ giữa "Gia đình học tập" với "Gia đình văn hóa", "Tổ văn hóa" với "Cộng đồng học tập" trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay.
Đồng thời, các đại biểu cũng làm rõ mối quan hệ giữa phát triển văn hóa giáo dục với phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới; đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các cấp cần quan tâm đến văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, văn hóa giáo dục... trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google