Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội triển khai các hoạt động cao điểm phòng, chống dịch

Hồng Ngọc
16:28 - 13/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có chiều hướng tăng cao trong các tuần gần đây. Tính đến tuần 31/2023, Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.

Cục Y tế dự phòng cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội phòng, chống sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Tại Hà Nội, số mắc có chiều hướng tăng cao trong các tuần gần đây. Tính đến tuần 31/2023, Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội triển khai các hoạt động cao điểm phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thành lập ngay đoàn công tác hỗ trợ thành phố Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Medlineplus

Để tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thành phố Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Đồng thời hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực phụ trách giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.ư

Triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội mới đây đã có Công văn đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch. Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.

Bên cạnh đó, CDC thành phố cũng đề nghị trung tâm y tế tham mưu ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023.

Ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên, yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.

Song song với đó, CDC Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lưu động (loa kéo), các hội nhóm Zalo thôn, tổ dân phố... Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, rõ ràng, tập trung vào đặc điểm tình hình dịch tại địa phương, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng bệnh.

Cảnh giác với dấu hiệu sốt xuất huyết nguy hiểm ở trẻ em

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn đầu của bệnh trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì kêu đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát có thể thấy những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội triển khai các hoạt động cao điểm phòng, chống dịch - Ảnh 3.

Một số biểu hiện của trẻ bị sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà: Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh. 

Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4-6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Cho trẻ uống nhiều nước Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa…; ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.

Khi trẻ bị sốt xuất huyết, không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau:

- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan;

- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ;

- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh;

- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ em gái);

- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.

Khi trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ thấy trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.