Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp

Minh Châu
17:17 - 27/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo đại biểu Quốc hội, tại Điều 24 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24 luật, dự thảo chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Cần quy định mang tính đột phá về thu hút nhân tài, liên kết giáo dục gắn với đặc thù của Hà Nội

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp- Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đánh giá cao dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành với 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có vượt so với quy định chung thuộc các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Thủ đô như đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự, xây dựng. Những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế. Tuy nhiên một số nội dung được xem là vượt trội nhưng thực chất là những quy định có tính tháo gỡ quy định chung mà các địa phương nào cũng cần, không chỉ riêng Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Chỉ rõ một số nội dung như ký hợp đồng có thời hạn với người có điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm, thu hút nhân tài là những quy định cụ thể hơn hay quy định về liên kết giáo dục, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng các quy định vượt trội do cả nước không được áp dụng quy định này mặc dù đây là những quy định có thể được áp dụng ở hầu hết các địa phương, chứ không phải là những quy định khai phóng những tiềm lực riêng có của Hà Nội. Do đo, đại biểu cho rằng cần quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp- Ảnh 4.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết.

Do đó, đại biểu mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị văn hóa người Hà nội, đặc biệt các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...