Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển

Minh Châu
10:31 - 27/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển- Ảnh 1.

Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, điều hành nội dung thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều ngày 10/11/2023, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này, đã có 83 lượt ý kiến phát biểu và ba vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản góp ý. Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp 25 trang gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Ngày 24/11/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 380 dài 21 trang, dự kiến giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô.

Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của Thủ đô Hà Nội

Thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 9 năm thi hành Luật trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

Cũng bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo luật trình kỳ họp, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện....

Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn Hội đồng nhân dân quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do Hội đồng nhân dân thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố. Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô. Về chính trị, pháp lý, đại biểu cho biết, đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường…

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, đại biểu nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm "nhân tài".

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi "Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

Đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển- Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban Nhân Dân Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho Hội đồng Nhân Dân thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, từ thực tiễn triển khai cơ chế chính sách đặc thù tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng… đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển- Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao trong năm 2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá, đó là quản lý tài sản công. Đại biểu cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%; đồng thời bố trí đội ngũ lãnh đạo Hội đồng nhân dân phù hợp; đồng thời có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức Hội đồng nhân dân…

Về quy định về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật đã quy định khá cụ thể về nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.