Đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tù

Hồng Ngọc
12:51 - 26/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hành vi đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường để giữ ấm là trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và có thể bị phạt hành chính, thậm chí phạt tù. Vì vậy người dân và người lao động không nên đốt lửa sưởi ấm tại vỉa hè, lòng đường để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

đốt lửa

Người dân Hà Nội đốt lửa sưởi ấm trên đường. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Hành vi đốt lửa trên vỉa hè để sưởi ấm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện nay các tỉnh miền Bắc nhiệt độ giảm mạnh, thời tiết ngoài trời giá rét. Những người lao động làm việc trên đường phố dù đã khoác nhiều lớp áo vẫn phải đốt lửa để bớt lạnh cóng. Trên các con phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân, người lao động dùng củi khô để đốt lửa ở lòng đường, vỉa hè để sưởi ấm. 

Việc đốt lửa trên vỉa hè mang lại hơi ấm, giảm bớt cảm giác lạnh lẽo nhưng nếu thực hiện thường xuyên và liên tục có thể sẽ làm hư hỏng vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng môi trường, giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Những đống đốt rác thải, cây cỏ không có người canh chừng, rất có thể lửa sẽ lan vào gây chập, cháy, cháy lan thiêu đốt gây thiệt hại tài sản vật chất…

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, hành vi đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường để giữ ấm là trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy. Tùy thuộc vào hậu quả để lại do việc đốt lửa, than, củi gây ra, người thực hiện có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo... thậm chí có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. Vì vậy người dân và người lao động không nên đốt lửa sưởi ấm tại vỉa hè, lòng đường để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Nếu người dân phát hiện xảy ra cháy ở vỉa hè, lề đường, hãy báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết. Sau đó nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Đồng thời, cắt điện, sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy. Hỗ trợ lực lượng chức năng tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.

Đốt lửa trên vỉa hè, lề đường là hành vi vi phạm pháp luật

Theo quy định của pháp luật, đốt lửa trên vỉa hè, lề đường là một trong những hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý đốt lửa trên cầu, dưới gầm cầu; neo đậu tàu, thuyền dưới gầm cầu hoặc trong phạm vi hành lang an toàn cầu;

b) Tự ý be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông; đặt ống bơm nước, bơm cát qua đường, đốt lửa trên mặt đường.

Như vậy, người dân tự ý đốt lửa để giữ ấm ở trên cầu, dưới gầm cầu, mặt đường có thể bị phạt hành chính đến 300.000 đồng.

Tại các thành phố lớn, nếu đốt lửa bừa bãi sẽ rất dễ có khả xảy ra cháy, nổ, thậm chí có thể gây thiệt hại về người và của.

Vì vậy, trường hợp đốt lửa tại các địa điểm dễ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, người đốt lửa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".

Tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 8 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.