Khuyến cáo biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn đối với chung cư, nhà cao tầng

Hồng Ngọc
15:22 - 13/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có cháy tại những công trình nhiều tầng, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng.

Vào khoảng 23 giờ ngày 12/9 đã xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, quận Thanh Xuân, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến 5 giờ ngày 13/9/2023, thống kê sơ bộ, lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.

Vụ cháy xảy ra tại một chung cư mini 9 tầng, có diện tích sàn trên 200m2, với khoảng 150 người dân sinh sống. Vụ cháy xảy ra ban đêm, địa điểm nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách hiện trường 300-400m, lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào ngõ để dập lửa.

phòng cháy, chữa cháy

Vụ cháy chung cư mini (9 tầng, 1 tum) tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đêm 12/9/2023 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người bị thương vong. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy với chung cư 

Căn cứ Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy), yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư được quy định như sau:

Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000m3:

- Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn.

- Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt.

- Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.

- Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

- Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên:

- Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy ở trên phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động. 

Biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn tại chung cư, nhà nhiều tầng

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để đảm bảo an toàn cháy nổ tại nhà cao tầng, song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình nhiều tầng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Có niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy.

2. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

3. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và giải pháp ngăn cháy lan.

4. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.

5. Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.

6. Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.

7. Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.

8. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.

9. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.

10. Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.

- Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.

- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khuvực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

11. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ công trình.

12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.

13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.

14. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (số điện thoại 114), báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Kỹ năng thoát nạn cần lưu ý khi xảy ra cháy, nổ tại nhà cao tầng  

Khi xảy ra cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng, việc người dân nắm được các kỹ năng thoát nạn cần thiết là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự bảo đảm an toàn tính mạng của chính bản thân mình.

Để hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra tại các chung cư, nhà cao tầng, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo một số nội dung sau:

Xác định đường, lối thoát nạn an toàn

- Di chuyển trên hành lang, vào buồng thang theo biển chỉ dẫn ký hiệu “EXIT” đến nơi an toàn.

- Chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn.

- Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết.

phòng cháy, chữa cháy

- Hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thoát nạn, lưu ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ mang thai.

phòng cháy, chữa cháy

- Trường hợp khói, lửa bao trùm cửa chính ra vào căn hộ và hành lang, nhanh chóng đóng cửa và có biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ theo số 114; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn, vật sáng màu để thu hút sự chú ý.

phòng cháy, chữa cháy

Kỹ năng di chuyển an toàn trong quá trình thoát nạn

- Kỹ năng mở cửa: Trước khi mở cửa, chú ý quan sát xung quanh, kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tay nắm cửa. Nếu không thấy khói, lửa, nhiệt độ không nóng, cúi thấp người, mở cánh cửa một cách từ từ để thoát ra khỏi phòng.

- Kỹ năng di chuyển an toàn: Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người. Nếu phải đi qua các khu vực bị khói bao phủ, cần hạ thấp trọng tâm kết hợp sử dụng khăn, vải mềm thấm ướt bịt vào mũi để hạn chế hít phải khói, khí độc.

phòng cháy, chữa cháy

phòng cháy, chữa cháy

Trường hợp bắt buộc phải băng qua lửa, sử dụng chăn, áo khoác dày… thấm ướt nước, trùm lên người rồi thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trường hợp bị lửa tác động dẫn đến bén cháy quần áo, nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực đám cháy rồi dừng lại, nằm xuống đất (hoặc sàn), lấy hai tay che mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi ngọn lửa được dập tắt.

Lưu ý, tuyệt đối không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn và không để các vật dụng che, chắn trên hành lang và cửa vào buồng thang thoát nạn.

Hướng dẫn thoát nạn khi có cháy nhà ở nhà chung cư, cao tầng. Nguồn: Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Theo TTXVN, sáng 13/9, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến đã thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay. Theo đó, tình trạng cháy nổ trên cả nước thời gian qua vẫn gia tăng và xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16% so với cùng kỳ năm ngoái), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%); xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%), làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỷ đồng (giảm 99%).

Trong phiên thảo luận, phát biểu về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, tình hình cháy nổ hiện nay nghiêm trọng. Có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy, có vụ nhiều người trong gia đình thiệt mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy cả nước còn trên 38.000 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, các cơ quan chức năng đã ra rất nhiều chủ trương, biện pháp phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp, chủ trương đưa ra, số cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy còn tương đối nhiều.

Trưởng ban Công tác Đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn nguyên nhân và hiệu quả của các biện pháp trong phòng chống cháy nổ thời gian qua. Các cơ quan cũng cần xem xét nguyên nhân số lượng cơ sở và tình trạng vi phạm liên quan đến việc cháy nổ xảy ra liên tiếp.