Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào?

GS.TS Phạm Tất Dong
19:00 - 25/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những thành tựu văn hóa, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo... từ con đường tơ lụa cổ đại đã được ghi nhận vào trang lịch sử nhân loại. Ngày nay, internet làm phẳng thế giới không có nghĩa là những "con đường tơ lụa" ảo khác sẽ không hình thành...

Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Bản đồ Con đường tơ lụa. Nguồn: jbhworld

Con đường tơ lụa - buổi bình minh của giao thương toàn cầu

Con đường tơ lụa (Silk Road) là hệ thống những con đường buôn bán nổi tiếng có từ hàng nghìn năm trước công nguyên nối châu Á với châu Âu, thường gọi là con đường nối Phương Đông với Phương Tây. 

Con đường này bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An qua một loạt nước như Mông Cổ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và toàn Châu Âu. Con đường tiếp tục đến Triều Tiên, Nhật Bản và cả Việt Nam. Tổng cộng chiều dài của con đường là 6.437 km.

Con đường tơ lụa là buổi bình minh của hoạt động giao thương hàng hóa, chủ yếu là hàng thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra.

Cái tên "Con đường tơ lụa" cho thấy, tơ lụa là sản phẩm đầu tiên và quan trọng được vận chuyển trên con đường này.

Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào? - Ảnh 3.

Nguyệt Nha Tuyền - một hồ bán nguyệt trên sa mạc Gobi, vùng Đôn Hoàng (Trung Quốc) trên con đường tơ lụa cổ xưa còn lại đến ngày nay. Ảnh: Refer China

Cách đây khoảng 5300 năm, người Trung Hoa đã biết trồng dâu, nuôi tằm để có nguyên liệu làm ra vải và lụa. Vải tơ tằm mềm, mịn và mát, thoạt đầu, người ta làm ra lụa tơ tằm để cho nhà vua và giới quý tộc may mặc. Nhiều nước rất mê lụa tơ tằm, và chính đây là nguyên nhân để người Trung Hoa mang tơ tằm bán sang các nước.

Thực ra, con đường mà do Trung Quốc tạo nên ban đầu là do mục tiêu quân sự. Năm 138 trước Công nguyên, vua Hán Vũ Đế cử Trương Khiên đi về phía Tây để tìm đồng minh chống Hung nô, nhưng Trương Khiên thất bại vì không quốc gia nào ủng hộ. Sau nhiều năm bôn ba qua Tân Cương, Thiểm Tây, Cam túc, cao nguyên Pamir, thung lũng Fergna (Uzbekistan), vùng hồ Balkhash và biển Aral (Uzbekistan) và Tajikistan, Iran, Ấn Độ v.v..., ông viết về địa lý, phong tục tập quán, con người, sản vật, hàng hóa, tôn giáo, tiềm năng giao thương của những vùng ông đã đặt chân tới, đặt tên cho tác phẩm này là "Triều dã Kim tài". Bản đồ về con đường Trương Khiên đã đi chính là con đường tơ lụa đầu tiên, sau đó nó còn được nối dài và tỏa ra nhiều vùng đất khác lạ.

Lụa là mặt hàng giao thương hàng đầu trong danh mục hàng hóa từ Trung Quốc đi theo con đường tơ lụa ra các nước vùng Tây vực (phía Tây Trung Quốc). Sau đó, tơ lụa đi vào châu Âu vì nơi đây, các hoàng đế, các nhân vật quyền cao chức trọng mê mẩn với những tấm lụa óng mượt và mềm mại.

Phương tiện vận chuyển chủ yếu là con lạc đà. Loài vật này to khỏe gấp nhiều lần so với ngựa. Hơn nữa, chỉ có nó mới có khả năng chịu khát khi đi qua các vùng sa mạc nóng bỏng. Vì thế, lái buôn trên đường tơ lụa được gọi là "Thương nhân lạc đà".

Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào? - Ảnh 4.

Hình hoạ phục dựng lại hình ảnh đoàn lạc đà thồ hàng trên sa mạc trên con đường tơ lụa.

Các đoàn lạc đà thồ hàng quý thường bị cướp dọc đường. Vì thế, triều đình Trung Hoa cho thiết lập các lực lượng an ninh dọc theo các đoạn đường không an toàn để tránh bị mất tài sản.

Càng về sau, các loại hàng quý được chuyển đi cùng tơ lụa càng nhiều như đồ gốm sứ, giấy, vàng, da, trà, gạo, hổ phách, amiang, san hô...

Ngược lại, hàng hóa từ Trung Á và Đông Địa Trung Hải đổ vào Trung Quốc thường là thảm, chăn màn, len, đồ thủy tinh, đá quý... cùng các loại trái cây như dưa hấu, bồ đào (nho), thạch lựu (lựu), hạch đào (hạt điều), một số loại rau. Một số động vật mà người Trung Quốc ưa thích cũng được các thương gia chuyển vào như lạc đà, sư tử, cừu, chó săn.

Đồng hành với hàng hóa trên con đường tơ lụa còn có tư tưởng, tôn giáo, bệnh dịch. Các tôn giáo lớn trên toàn cầu như Phật Giáo, Kito giáo, Khổng giáo, Hồi giáo cũng được truyền bá theo các tuyến đường này.

Các đoàn thương nhân trao đổi buôn bán trên con đường tơ lụa cổ đại đã mang Phật giáo từ Ấn Độ tới Pakistan, Afghanistan, Trung Á, Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau đó, Phật giáo truyền tới Khotan (Tân Cương), Sogdiana (Ba Tư) và Bamiyan (Afghanistan)...

Thành tựu văn hoá kết nối thế giới của con đường tơ lụa còn lại đến ngày nay

Con đường tơ lụa được các thương nhân thời cổ đại sử dụng có ý nghĩa giao thương hết sức quan trọng. Trước khi có con đường biển kết nối giao thông giữa Phương Đông và Phương Tây thì con đường tơ lụa là chính yếu đối với Trung Quốc, Tây Á, Trung Á và một phần của Địa Trung Hải.

Sau nhiều thế kỷ, dấu vết con đường này bị gió và cát xóa đi, người ta cho rằng, con đường tơ lụa chỉ có trong truyền thuyết.

Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào? - Ảnh 5.

Marco Polo, thương nhân và nhà thám hiểm vĩ đại.

Năm 1271, nhà thám hiểm và là một thương nhân, ông Marco Polo (1254 - 1324), người gốc Venezia (Ý) đã đi thuyền từ Venice tới Biển Đen, sau đó cưỡi lạc đà tới Hormuz của Ba Tư, rồi thực hiện một hành trình vào Trung Quốc. Đến khi trở lại quê hương, ông đã viết cuốn sách với tên gọi "Il Milione", nhiều người gọi là cuốn "Marco Polo du ký". Cuốn sách này đã cho mọi người thấy được con đường tơ lụa cổ đại là có thật.

Dòng chảy văn hóa đã theo con đường tơ lụa liên kết thế giới như thế nào? - Ảnh 6.

Tác phẩm II Milione của Marco Polo.

Những thương nhân với những đàn lạc đà chuyên chở qua lại vải vóc, tơ lụa, len và thảm, các loại hoa quả, hồ tiêu và nhiều gia vị, những súc vật, vàng bạc và châu báu từ vùng này sang vùng khác. Họ bắt buộc phải biết một số ngôn ngữ để buôn bán và giao tiếp.

Các nhà truyền giáo đi theo con đường tơ lụa để truyền bá đạo Phật, đạo Hồi, đạo Kito..., do đó, trên dọc đường họ đi, các nhà thờ mọc lên ngày càng nhiều.

Sẽ còn nhiều "con đường tơ lụa" ảo kết nối thế giới hình thành

Giờ đây, nhìn lại lịch sử giao thương giữa phương Đông và phương Tây cổ đại, chúng ta vô cùng khâm phục những con người đã tạo ra con đường huyền thoại này, cho dù hiện tại, chúng ta có máy bay đi tới mọi quốc gia trên thế giới, có những đoàn tàu hỏa vượt những vùng tuyết trắng mênh mông, có những tàu thủy viễn dương đi qua mọi biển cả, nhờ đó, con người trên hành tinh đã ngày càng gắn kết với nhau.

Một con đường tơ lụa ảo đã hình thành. Các mạng xã hội trong không gian mạng đã giúp vào việc thu gọn thế giới và làm phẳng nó, tạo nên một ngôi nhà toàn cầu.

Các phương tiện giao thông hiện đại và mạng thông tin Internet đã làm cho các chuyến đi mà người xưa có khi phải hàng tháng thì hiện nay chỉ mất một số giờ trong một ngày. Những bước chân lạc đà rã rời trên sa mạc nóng bỏng và khô cằn được thay thế bằng đoàn tàu hỏa không biết mệt mỏi... Những con đường tơ lụa kĩ thuật số cũng ra đời.

Những thành tựu văn hóa hôm nay đã đưa con đường tơ lụa cổ đại vào các trang lịch sử nhân loại. Mấy trăm năm sau, khi nhân loại chinh phục được Mặt trăng và Sao hỏa, khi các chuyến du lịch được thực hiện bằng tên lửa, và khi những gì khai thác được từ những hành tinh xa xôi được đưa vào Trái đất thì các đường giao thông thủy, bộ và hàng không ngày nay được người đời sau coi là "con đường tơ lụa thứ hai". Nó trở thành kỷ niệm của một thời dĩ vãng y như con đường xuyên quốc gia mà Trương Khiên, Marco Polo... đã tạo ra trong cuốn sách Il Milione.