Độc đáo đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn "tìm mình trong kẻ khác"

Ly Hương
10:18 - 26/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều giáo viên đánh giá đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đầy cảm xúc, độc đáo.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tham gia kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông năm học 2023-2024, trong đó đề thi môn Ngữ văn được nhiều giáo viên đánh giá đầy cảm xúc, độc đáo, có nhiều "đất" cho học sinh thỏa sức phóng bút.

Độc đáo đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn "tìm mình trong kẻ khác" - Ảnh 1.

Chủ đề của đề thi: Tìm mình trong kẻ khác

Câu 1(8 điểm). Tìm giá trị của riêng mình trong "kẻ khác":

Khi "kẻ khác" là người khác, ta thấy…

Khi "kẻ khác" là trí tuệ nhân tạo, ta thấy…

Từ gợi dẫn trên, anh/chị hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh.

Câu 2 (12 điểm). Người đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, là đi tìm chính bản thân mình. (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Đức Hiểu, Tạp chí Sông Hương, số 136).

Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy bàn luận về vấn đề mà ý kiến trên gợi ra.

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

Tìm giá trị của riêng mình: Khám phá cái đáng quý, riêng biệt của bản thân. Kẻ khác: đối tượng khác mình, ngoài mình. Vấn đề nghị luận: khi soi chiếu vào cái khác mình - ở đây là người và trí tuệ nhân tạo, con người sẽ nhận ra những điều ý nghĩa, độc đáo của chính mình trong tương quan ấy.

Bàn luận: Mỗi người đều có nhu cầu tìm kiếm và khẳng định giá trị riêng của mình. Những giá trị ấy không được nhận thức rõ ngay từ đầu mà cần một quá trình để định hình, khám phá. Soi mình trong kẻ khác là một trong nhiều cách để mỗi người khám phá giá trị riêng của bản thân.

Soi mình trong kẻ khác, con người có những tham chiếu để tự ý thức về mình, thấy được những nét riêng đáng quý của mình, từ đó có thêm lựa chọn để bồi tụ bản sắc riêng (nhân sinh quan, giá trị quan…). Soi mình trong trí tuệ nhân tạo, con người có những tham chiếu để tự ý thức về giống loài mình, thấy được sự ưu trội của nhân loại so với đối tượng khác, từ đó có thêm lựa chọn để bồi tụ những giá trị của nhân tính (cảm xúc, trải nghiệm, khả năng sáng tạo…).

Soi mình trong kẻ khác và tự soi vào chính mình là hai quá trình tương hỗ, không thể tách rời. Nếu chỉ soi mình trong kẻ khác, bản thân sẽ rơi vào cạm bẫy so sánh, lãng quên tiếng nói nội tại. Nếu chỉ soi vào chính mình, sẽ không thấy được sự khác biệt của bản thân và có định hướng phát triển.

Không phải cái riêng nào cũng có giá trị: cần phân biệt cái lập dị, trí tuệ với giá trị riêng mà mỗi người định hình khi soi vào "kẻ khác". Ngoài cách tìm mình trong "kẻ khác" (hướng ngoại), người ta có thể tìm mình trong chính mình (hướng nội). Ngoài "kẻ khác" là người khác, trí tuệ nhân tạo, người ta có thể tìm mình trong thiên nhiên, trong thế giới nghệ thuật… Soi vào "kẻ khác", người ta không chỉ phân biệt mình với "kẻ khác", mà còn có thể hòa đồng vào kẻ khác, biết khiêm nhường, vị tha, đoàn kết… để cùng chung sống.

Phê phán: Những kẻ không chịu soi vào cuộc sống, soi mình vào kẻ khác dẫn đến không chịu nhận thức về giá trị của bản thân, thiếu ý thức phấn đấu để hoàn thiện mình; những kẻ luôn so sánh mình với mọi người để rồi mải mê hơn thua hoặc kiêu căng, tự mãn hoặc bế tắc, tự ti.

Bài học: Học sinh nhận thức được ý nghĩa của sự soi chiếu với các khác mình trong việc xác định và bồi đắp giá trị cá nhân; không vội phủ nhận "kẻ khác" hay chạy theo "kẻ khác".

Thông qua mối quan hệ với các khác mình, học sinh biết trân trọng bản sắc, đồng thời kịp thời điều chỉnh, bồi tụ giá trị riêng của bản thân bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Nghị luận văn học

Đỗ Đức Hiểu quan niệm khi người khác đọc tác phẩm (người đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp), họ sẽ khám phá chân dung tinh thần, "cái tôi" của người nghệ sĩ (đi tìm Nguyễn Huy Thiệp), đồng thời cũng là khám phá chân dung tinh thần, "cái tôi" của chính mình (đi tìm chính bản thân mình). 

Độc đáo đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn "tìm mình trong kẻ khác" - Ảnh 3.

Nhận định của Đỗ Đức Hiểu không chỉ xác đáng trong việc đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp mà còn xác đáng trong việc đọc tác phẩm của một tác giả nói chung. Minh hoạ: TTH

Vấn đề gợi ra từ nhận định là ý nghĩa, giá trị của hoạt động đọc; thông qua việc khám phá tác giả trong tác phẩm, người đọc khám phá chính mình.

Bàn luận: Đọc truyện cũng là đi tìm tác giả, bởi vì tác phẩm nào cũng thể hiện cái nhìn chủ quan của người viết về hiện thực khách quan. Vì vậy đọc tác phẩm cũng là khám phá bức chân dung tinh thần của nhà văn thể hiện qua cách nhìn,cách cảm, cách nghĩ… trong tác phẩm.

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy người viết luôn mong muốn thể hiện được "cái tôi" của mình trong tác phẩm. Cái tôi ấy khao khát tìm tri âm tri kỉ, tha thiết mời gọi người đọc khám phá.

Việc đọc tác phẩm còn giúp người đọc khám phá ra "chân dung nghệ thuật" riêng biệt, "dấu vân tay nghệ thuật" đặc trưng của tác giả (phong cách sáng tác).

Chân dung tinh thần, "cái tôi" người viết thể hiện rõ hơn cả thông qua hệ thống tác phẩm (truyện Nguyễn Huy Thiệp).

Đi tìm tác giả cũng là đi tìm bản thân mình: Tác phẩm nào cũng phản ánh hiện thực khách quan và hướng đến những giá trị nhân sinh phổ quát. Chính vì vậy, tác giả và người đọc có thể kết nối, đồng điệu cùng nhau. Qua quá trình kết nối đó, người đọc tìm hiểu thêm về tác giả cũng là hiểu hơn về chính mình.

Mỗi tác phẩm là một kết cấu vẫy gọi người đọc tạo nghĩa, giúp người đọc kiến tạo chân dung tinh thần, "cái tôi" của mình. Khi người đọc hình dung về tác phẩm trong tâm trí cũng là lúc họ thấy rõ nhận thức, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm… của chính mình thông qua quá trình trải nghiệm, nhập thân trong thế giới hình tượng.

Học sinh lấy tác phẩm để chỉ ra những biểu hiện của việc người đọc "đi tìm" tác giả trong tác phẩm; "đi tìm chính mình" trong tác giả, tác phẩm.

Đánh giá: Vấn đề được gợi ra từ ý kiến của Đỗ Đức Hiểu đã gặp gỡ với những quy luật trong tiếp nhận văn học: Đọc tác phẩm là bắt đầu hành trình tìm kiếm chân dung của tác giả và chân dung của chính mình.

Chỉ những tác phẩm có giá trị đặc sắc ở nội dung và hình thức biểu hiện và những tác giả có phong cách nghệ thuật độc đáo mới thôi thúc người đọc tìm hiểu và khám phá. Người đọc tác phẩm không chỉ là đề đi tìm tác giả, đi tìm chính mình mà còn tìm được những giá trị khác: bức tranh hiện thực, khoái cảm thẩm mĩ…

Để người đọc có thể tìm được chính mình trong tác giả, tác giả cần được kiến tạo bản sắc của mình trong hệ thống tác phẩm. Đồng thời, biết đào sâu hiện thực, biết thể hiện những tìm tòi đó trong hình thức nghệ thuật độc đáo.

Để có thể tìm được tác trong tác phẩm, tìm được chính mình trong quá trình tiếp nhận, bạn đọc cần nâng cao năng lực thẩm mĩ, đồng thời cần kinh nghiệm thẩm mĩ, lập trường vững chắc để đối thoại, chất vấn, sàng lọc được tác phẩm có giá trị, nhận diện được những tác giả có lương tâm, tài năng.