Cách thức biến kiểm tra đầu giờ thành khoảng thời gian trên lớp hiệu quả

Ly Hương
15:00 - 24/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kiểm tra đầu giờ là một hình thức của quá trình đánh giá thường xuyên. Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh trả bài đầu giờ gây căng thẳng và không đạt được mục tiêu, có đúng?

Giáo viên kiểm tra đầu giờ khiến học sinh luôn áp lực, căng thẳng khi đến trường

Phụ huynh và học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dành sự quan tâm về chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu về việc yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực.

Theo Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay, việc giáo viên vào đầu giờ, kêu học sinh trả bài, kiểm tra miệng theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt, gây áp lực cho học sinh. Sáng sớm học sinh vừa ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn, vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài.

Ông Hiếu nhấn mạnh, chất lượng giảng dạy trong nhà trường góp phần quan trọng làm cho trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Để học sinh hạnh phúc khi đến trường thì thầy cô không thể kêu học sinh trả bài kiểu đó mà có nhiều cách để kiểm tra.

Hiện nay, với thời lượng 35% nội dung chương trình giáo dục được đưa lên hình thức trực tuyến, thầy cô có thời gian trước giờ dạy có thể giao nội dung, yêu cầu học sinh tự chuẩn bị trên hệ thống LMS. Giáo viên có thể kiểm tra học sinh nào làm tốt, học sinh nào làm chưa tốt, khi vào lớp thầy cô có thể nhắc các em, như vậy các em mới tập trung nhớ được kiến thức.

"Thầy cô hỏi bất chợt thì những kiến thức đó không mang lại giá trị gì cho học sinh. Đừng làm cho các em căng thẳng trước giờ học. Mở đầu giờ học, thầy cô có thể mời các em hát, phương pháp phải đa dạng hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi vào học chứ không căng thẳng. Đó mới là môi trường hạnh phúc.

Chất lượng giảng dạy còn nằm ở chỗ thầy cô tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào quá trình dạy của thầy cô, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, chất lượng để mỗi sáng thức dậy các em náo nức được đến trường…", ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ rõ.

Làm sao để kiểm tra đầu giờ nhẹ nhàng, hiệu quả?

Chia sẻ về việc giáo viên kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" khiến học sinh căng thẳng, áp lực, thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định điều này là hoàn toàn có thật.

Thầy giáo Phan Anh nói thêm, thầy thuộc thế hệ 8X, từ lúc học tiểu học cho đến bậc trung học, việc giáo viên kiểm tra miệng (thường gọi là kiểm tra bài cũ) cho đến nay vẫn còn để lại nỗi ám ảnh cho thầy và nhiều người vì những lí do khác nhau.

Thầy giáo Phan Anh nhớ lại, có giáo viên vào lớp là mặt "lạnh như tiền", chẳng nói chẳng rằng, lập tức lôi cuốn sổ ghi điểm cá nhân, dùng cây bút rà tên trong danh sách và gọi ngẫu nhiên hoặc chủ ý một học sinh nào đó. Thường thì giáo viên sẽ kiểm tra khoảng 2-3 học sinh xem các em học bài cũ thế nào. Chỉ sau khi giáo viên gấp cuốn sổ điểm lại thì học sinh mới thở phào nhẹ nhõm.

"Có học sinh học thuộc bài cũ nhưng khi lên bảng thì quên sạch không còn nhớ chữ nào. Giáo viên nào dễ tính nhắc cho một hai câu thì học sinh đó dần nhớ lại bài và trả được bài. Tôi cũng đã từng có lần không thể trả bài môn Địa lí năm lớp 7 vì tên các quốc gia ở Nga quá khó nhớ. Tôi thẳng thắn trình bày với cô giáo bộ môn là cho tôi xem bản đồ trả lời thay vì học thuộc lòng và được chấp nhận", thầy giáo Phan Anh kể.

Theo thầy giáo Phan Anh, 17 năm làm giáo viên dạy môn Ngữ văn, thầy chưa bao giờ kiểm tra bài cũ học sinh theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt". Thầy thường khuyến khích học sinh xung phong lên bảng đầu giờ đọc thuộc một vài khổ thơ, bài thơ ngắn hoặc trình bày ngắn gọn nội dung, nghệ thuật một tác phẩm văn học đã học để lấy điểm cộng. Thầy thường cho học sinh thuyết trình, trả lời câu hỏi phát vấn hoặc viết ngắn theo quan điểm cá nhân để nâng cao các năng lực cho các em.

"Hiện nay, những lớp đang dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 6, 7, 8, 10, 11) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT về kiểm tra, đánh giá. Theo đó, học sinh có hai loại điểm kiểm tra, đó là kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Đối với điểm kiểm tra thường xuyên được hướng dẫn "thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập".

Nếu giáo viên kiểm tra theo hình thức hỏi, thầy cô giáo cần tạo cho học sinh một tâm thế nhẹ nhàng với bài học. Nếu học sinh gặp áp lực khi kiểm tra miệng, giáo viên có thể yêu cầu các em viết ra giấy, viết lên bảng. Dĩ nhiên, giáo viên không thể bỏ hình thức kiểm tra này, vì học sinh không học bài cũ thì làm sao có thể tiếp thu bài mới", thầy giáo Phan Anh nêu phương pháp giúp kiểm tra bài cũ nhẹ nhàng, hiệu quả.

Điều thầy giáo Phan Anh e ngại là sẽ có nhiều giáo viên máy móc không kiểm tra bài cũ, làm cho việc học của học sinh kém hiệu quả. "Tôi lấy ví dụ, giáo viên không kiểm tra bài từ vựng, ngữ pháp thì học sinh không thể học tốt môn Tiếng Anh. Học sinh không học các công thức thì không thể vận dụng làm các bài tập".

Thầy giáo Phan Anh gợi ý, việc kiểm tra đầu giờ vẫn có thể tiến hành nếu giáo viên đưa ra câu hỏi trước, vào giờ học trước đó, hẹn sẽ kiểm tra nội dung này vào buổi học sau, khiến các em có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, hăng hái tham gia trả lời câu hỏi và xung phong trả bài. Đây cũng là một cách để kích thích việc tự học cũng như biến giờ kiểm tra đầu giờ trở thành khoảng thời gian vui vẻ, nhẹ nhành và hiệu quả của thầy và trò. 

Bình luận của bạn

Bình luận