Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn: Cần làm gì để khẳng định giá trị của bản thân?

18:28 - 21/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ vừa tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 năm 2023. Trong đó, câu nghị luận xã hội môn Ngữ văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề chúng ta cần làm gì để khẳng định giá trị của bản thân.

Đề thi Ngữ văn: Cần làm gì để khẳng định giá trị của bản thân? - Ảnh 1.

Gợi ý đọc hiểu bài thơ "Ngọn nến"

Câu 1. Thể thơ năm chữ.

Câu 2. Những từ ngữ diễn tả hành động của "hoa" và "diều" trong hai khổ thơ đầu: "chắt hương", "lọc màu", "đón gió", "chao nghiêng chao ngửa".

Câu 3. Biện pháp điệp từ được sử dụng trong những dòng thơ: "biết chắt hương… hoang sơ" là điệp từ "biết". Tác dụng: nhấn mạnh việc chắt chiu, gạn lọc hương sắc, những cái đẹp từ cuộc sống để tự làm đẹp, tạo ra giá trị bản thân của những đoá hoa. Tạo giọng điệu, nhịp điệu và tăng sức biểu đạt, sức gợi hình, gợi cảm cho hình ảnh thơ.

Câu 4. Hai dòng thơ nói về việc ngọn nến phải tự "đốt mình", nghĩa là hy sinh bản thân, biến mình thành ngọn lửa để "làm nên chút nắng", mang đến ánh sáng, sự ấm áp cho cuộc đời.

Từ đó, ta rút ra bài học: muốn khẳng định giá trị bản thân, ta phải sống hết mình với đam mê, nhiệt huyết của bản thân; đừng nhút nhát, sợ hãi, phải chấp nhận thử thách, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để đạt được mục tiêu, lí tưởng sống của mình.

Cần làm gì để khẳng định giá trị bản thân?

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ nội dung cần nghị luận. Có thể theo hướng sau: Khẳng định giá trị bản thân là việc cá nhân thể hiện khả năng, năng lực của mình để xác lập vai trò, vị trí trong cuộc sống.

Muốn khẳng định giá trị bản thân, mỗi người chúng ta cần: Xác lập rõ ràng mục tiêu, lí tưởng sống của bản thân; hiểu rõ năng lực, khả năng của bản thân, phát huy những ưu điểm, thế mạnh; tự tin, mạnh dạn, sẵn sàng xông pha, đón nhận thử thách, tìm kiếm cơ hội để thể hiện bản thân; không ngừng học tập để trau dồi, rèn luyện và hoàn thiện bản thân.

Phê phán những người không có ý thức khẳng định giá trị bản thân, những người luôn tự ti, sợ hãi hoặc thể hiện bản thân một cách thái quá, ngông cuồng.

Vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"

Giới thiệu khái quát về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", nêu vấn đề nghị luận, trích dẫn đoạn trích.

Trong đoạn trích, sông Hương được nhân hoá, trở thành người con gái đầy tình cảm với Huế - người tình của sông Hương.

Khi nhìn thấy thành phố: Sông Hương là dòng sông của tâm trạng vui tươi, náo nức, tâm trạng bồi hồi của một người đi xa tìm đúng đường về.

Khi giáp mặt với thành phố ở Cồn Giã Viên: Sông Hương mang vẻ đẹp của một người tình dịu dàng, e ấp, lãng mạn, tình tứ khi lần đầu chạm mặt với Huế.

Trong lòng thành phố Huế: Sông Hương mang vẻ đẹp nguyên sơ, trầm mặc, một sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, trở thành "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế". Dòng sông được lí giải từ các góc nhìn khác nhau và đặt trong sự so sánh với những dòng sông đẹp khác, từ đó làm rõ vẻ đẹp riêng biệt của sông Hương, sự "vấn vương nỗi lòng" của dòng sông trong sự gắn kết tình cảm với kinh thành Huế. (Học sinh cần kết hợp giữa lí lẽ và phân tích các dẫn chứng để làm rõ các luận điểm).

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Với những nghệ thuật đặc sắc như ngôn ngữ gợi cảm, giàu hình ảnh, nhịp điệu; lối so sánh, liên tưởng độc đáo,… tác giả đã thành công trong việc ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương trong lòng thành phố Huế, một dòng sông đẹp với nhiều tình cảm, nỗi lòng dành cho mảnh đất cố đô. Đó cũng là sự ngợi ca vẻ đẹp của văn hoá và tâm hồn Huế, bộc lộ tình yêu thiết tha và niềm tự hào của nhà văn đối với sông Hương, với Huế và với quê hương đất nước.

Nhận xét cái tôi tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong đoạn trích: Đoạn trích đã thể hiện rõ nét cái tôi đầy tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường với lối văn hướng nội tinh tế, cách hành văn nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu cảm xúc; khả năng quan sát, liên tưởng với những so sánh, ví von thú vị, độc đáo; ngôn ngữ biến ảo, giàu chất thơ.

Cái tôi đó là biểu hiện cho phong cách viết kí đặc sắc của nhà văn: sự kết hợp giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều với vốn kiến thức uyên bác, phong phú.

Nguồn: Ly Hương