Doanh thu ngành dược từ bệnh béo phì có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2030

Quỳnh Giang
07:13 - 27/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo các chuyên gia kinh tế, bệnh béo phì có thể tạo ra doanh thu 54 tỷ USD cho ngành dược vào năm 2030. Tăng trưởng doanh thu của thị trường này xuất phát từ tình trạng béo phì tăng nhanh trên toàn thế giới.

Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu hiện đang mắc bệnh béo phì

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra vào ngày 4/3/2022, trên thế giới hiện đang có hớn 1 tỉ người mắc bệnh béo phì, bao gồm: 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên, 39 triệu trẻ em. Những con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975 và đã tăng gần 5 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Béo phì ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi từ mọi nhóm xã hội, ở cả các nước đang phát triển và phát triển.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 167 triệu người trên toàn cầu, bao gồm cả người lớn và trẻ em sẽ trở nên kém khỏe mạnh hơn vì bị thừa cân hoặc béo phì.

Doanh thu ngành dược từ bệnh béo phì có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 1.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới hiện đang có hớn 1 tỉ người mắc bệnh béo phì. Ảnh: CNN

Tỷ lệ người béo phì, thừa cân ở Việt Nam tăng báo động

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng mới nhất cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam đã tăng lên 2,2 lần trong 10 năm qua.

Cụ thể, năm 2010, Việt Nam có 8,5% trẻ thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 19% vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ này ở thành thị là gần 27% và ở nông thôn, miền núi lần lượt là 18,3% và 6,9%.

Béo phì được cho là nguyên nhân gây ra 18 bệnh lý và 13 loại ung thư. Nguyên nhân là bệnh béo phì ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là tim, gan, thận, các khớp và hệ thống sinh sản. 

Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đột quỵ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2 đều là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm. Đặc biệt, những người bị béo phì có nguy cơ nhập viện vì COVID-19 cao gấp 3 lần những người bình thường.

Bệnh béo phì - thị trường màu mỡ cho ngành dược trong tương lai

Theo các chuyên gia thuộc ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), bệnh béo phì có thể tạo ra doanh thu 54 tỷ USD vào năm 2030. Nó sẽ trở thành nguồn "thu nhập khủng" trong thời gian tới cho các công ty dược phẩm, thậm chí có thể tương tự như thị trường thuốc huyết áp vào những năm 1990, từng đạt đỉnh lên tới 30 tỷ USD.

Tăng trưởng doanh thu của thị trường này xuất phát từ tình trạng béo phì tăng nhanh trên toàn thế giới.

Cho đến nay, béo phì là bệnh lý rất ít được hỗ trợ. Bệnh nhân phần lớn vẫn ngại tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong khi đó, các bác sĩ lại ít được đào tạo về căn bệnh này và cũng chưa có nhiều giải pháp điều trị cho bệnh béo phì.

Dự kiến, hai hãng dược lớn trên thế giới là Novo Nordisk của Đan Mạch và Lilly của Mỹ, với các hormone trị liệu của họ, sẽ chiếm phần lớn thị trường tiềm năng này.

Năm 2013, Mỹ đã công nhận béo phì là một bệnh mãn tính. Ở châu Âu, phải từ vài năm trở lại đây, bệnh béo phì mới được quan tâm nhiều hơn.

Năm 2021, Đức và Hà Lan đã coi béo phì là bệnh mãn tính và cho phép hoàn trả tiền điều trị với điều kiện bệnh nhân tuân thủ các chương trình hỗ trợ.

Pháp tuy vẫn chưa cho phép bệnh nhân được hoàn trả chi phí điều trị nhưng Cơ quan Y tế cấp cao nước này đã công bố các khuyến nghị mới vào tháng trước về việc quản lý bệnh béo phì theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ngoài hai hãng dược phẩm trên, thị trường tiềm năng này cũng đang thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ sinh học như Altimmune (Mỹ), Innovent (Trung Quốc) hay Adocia (Pháp).

Innovent gần đây đã công bố kết quả đầy hứa hẹn từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với loại thuốc bào chế thử nghiệm của họ.

Phương pháp điều trị tiên tiến nhất của Adocia cũng đang ở giai đoạn 2. Hãng này đang tìm kiếm một đối tác để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Công nghệ của hãng Adocia cho phép kết hợp một số hormone có sẵn trong một sản phẩm duy nhất để khai thác tối đa hiệu quả hoạt động của chúng. Đây cũng là một cách giúp hạn chế chi phí điều trị. Tuy nhiên các hormone này hiện đang chờ được cấp bằng sáng chế.

Doanh thu ngành dược từ bệnh béo phì có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 4.

Bệnh béo phì có thể tạo ra doanh thu 54 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: CNN

Hiện có rất ít thuốc chuyên biệt để điều trị bệnh béo phì

Ngoài phẫu thuật thắt dạ dày thì hiện nay có rất ít loại thuốc chuyên biệt để điều trị bệnh béo phì.

Hiện mới chỉ có hãng Novo Nordisk đã đưa vào kinh doanh một loại thuốc dành riêng cho bệnh béo phì là Wegovy.

Wegovy được bán từ một năm nay ở Mỹ. Tuy nhiên, từ tháng 3/2022, loại thuốc này mới có mặt tại thị trường Pháp theo chế độ tạm ứng để điều trị trước và hoàn tiền sau đối với những bệnh nhân béo phì nặng.

Giám đốc điều hành của hãng Novo Nordisk ở Pháp, Étienne Tichit, cho biết "đây là một cơ hội tuyệt vời cho những bệnh nhân Pháp, những người duy nhất ở châu Âu được điều trị bằng loại thuốc đó".

Thuốc điều trị béo phì Wegovy

Thuốc điều trị béo phì Wegovy hay còn có tên gọi khác là Semaglutide. Wegovy được tiêm dưới da mỗi tuần một lần. Đây là loại thuốc đầu tiên trong các loại thuốc điều trị béo phì thế hệ mới dựa trên hormone có hiệu quả cao.

Wegovy bắt chước một loại hormone gọi là glucagon-like peptide-1 (GLP-1), được tiết ra trong ruột và nhắm vào các thụ thể trên khắp cơ thể, bao gồm cả não. Khi ăn, GLP-1 sẽ gửi đến não tín hiệu "Tôi đã no", thuốc giúp bạn cảm thấy no sớm hơn. Do đó, cách chính thuốc Wegovy giúp điều trị bệnh béo phì là thông qua hoạt động của nó trong não bộ con người.

Nghiên cứu cho thấy, những người uống thuốc này có thể giảm trọng lượng trung bình 12,5% so với nhóm dùng giả dược (chỉ bao gồm các can thiệp về lối sống) và hơn 1/3 số người tham gia (nhiều người trong số họ nặng hơn 90,7kg) đã giảm được 20% trọng lượng.

Sử dụng thuốc điều trị béo phì Wegovy có thể giúp giảm 15% đến 20% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, có thể mất hơn một năm để thuốc đạt được hiệu quả đầy đủ.

Cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị béo phì Wegovy cũng có những tác dụng phụ. Trong đó, tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn. Người bệnh có thể giảm tác dụng phụ này của thuốc bằng cách điều chỉnh liều lượng hoặc có thể sử dụng một số loại thuốc và thực hiện các biện pháp can thiệp khác.

Mặc dù vậy nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng thuốc điều trị béo phì Wegovy. Những người dùng thuốc này là người lớn bị béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30; hoặc người thừa cân với chỉ số BMI lớn hơn 27 kèm theo các vấn đề y tế liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2 hoặc tăng cholesterol.

Wegovy cũng không được khuyến cáo sử dụng cho những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc một số khối u tuyến giáp hoặc nội tiết (ung thư tuyến giáp thể tuỷ). Và không phải ai cũng đáp ứng tốt với loại thuốc này. Vẫn có khoảng 13% người bị béo phì sử dụng thuốc Wegovy mà không giảm được cân nào!

Doanh thu ngành dược từ bệnh béo phì có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 5.

Thuốc điều trị béo phì Wegovy. Ảnh: Getty Images

Thuốc Mounjaro giúp giảm cân ở bệnh nhân béo phì không bị tiểu đường

Loại thuốc Mounjaro (hay còn gọi là Tirzepatide) của hãng Lilly được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, cũng đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm cân ở những bệnh nhân béo phì mà không bị tiểu đường.

Hãng dược này đã công bố các thử nghiệm giai đoạn 3 trong điều trị bệnh béo phì vào tháng 4/2021 và sẽ sớm được chấp thuận cho hướng điều trị này.

Thử nghiệm giai đoạn 3 của thuốc Mounjaro đã thu hút 2.539 đối tượng tham gia trên 9 quốc gia, với trọng lượng cơ thể trung bình của mỗi người tham gia là 105kg. Mỗi người tham gia được đưa vào một trong 4 nhóm ngẫu nhiên: Mounjaro 5mg, 10mg, 15mg, hoặc giả dược. Việc điều trị bao gồm một lần tiêm thuốc dưới da mỗi tuần.

Thuốc Mounjaro đã giúp những người bị thừa cân và béo phì giảm tới 1/5 tổng trọng lượng cơ thể trong 72 tuần khi họ tham gia vào thử nghiệm.

Cụ thể, vào tuần cuối cùng của thử nghiệm, những người dùng liều thấp nhất đã giảm trung bình 16% trọng lượng cơ thể, trong khi những người dùng liều cao nhất giảm 22,5%. Nhóm dùng giả dược chỉ giảm 2,4% trọng lượng cơ thể.

Khả năng dung nạp của Mounjaro tương tự như của các liệu pháp khác đã được phê duyệt để điều trị béo phì. Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc từ nhẹ đến trung bình, phổ biến nhất là buồn nôn, tiêu chảy và táo bón.

Thuốc Mounjaro nằm trong nhóm thuốc mới giúp điều trị bệnh tiểu đường được phát triển để bắt chước một loại hormone gọi là glucagon-like peptide-1 (GLP-1), được giải phóng tự nhiên bởi ruột. Loại hormone này có tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn.

Loại thuốc mới này hoạt động hơi khác với Wegovy. Nó đã được thiết kế để bắt chước GLP-1 và một hormone đường ruột khác được gọi là polypeptide ức chế dạ dày (GIP).