Không khuyến cáo tiêm phòng vaccine đậu mùa khỉ rộng rãi

Quỳnh Giang
16:11 - 25/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới - thế hệ 2, 3 để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi.

Không khuyến cáo tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới - thế hệ 2, 3 để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, tới thời điểm ngày 18/7, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan.

Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu.

dau mua khi.jpg

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Ảnh:
news.llu.edu

Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Sorroco Escalante cho biết, trên thế giới hiện có ba loại vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ. Trong đó vaccine Jynneos đã được WHO phê duyệt, sản xuất tại Đan Mạch, hiện được Mỹ, Canada và một số nước châu Âu phê duyệt có điều kiện.

Hai loại vaccine khác gồm Acam2000 được Mỹ phê duyệt, LC16m8 do Nhật Bản sản xuất và đang trong quá trình nghiên cứu hiệu quả. "Nói chung, vaccine vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi và cần tiếp tục nghiên cứu, bàn luận trong thời gian tới", Tiến sĩ Sorroco Escalante cho biết.

Thông tin từ Bộ Y tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện có 2 loại vaccine được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng. Đây đều là vaccine có thành phần virus sống, sử dụng 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang thảo luận về cách thức sử dụng của vaccine - sử dụng vaccine trước, hay sau khi phơi nhiễm. Trong khuyến cáo, vaccine được sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm và không sử dụng đại trà.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng cho rằng vaccine đậu mùa có thể bảo vệ người dân khỏi đậu mùa khỉ do bệnh cùng chung một loại virus gây ra. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy một số loại vaccine như Jynneos, Acam2000 có thể mang lại tác dụng phụ. 

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vaccine Acam2000 có thể gây viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim còn vaccine Jynneos có thể gây ra tình trạng đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và ớn lạnh.

Đã có vaccine phòng đậu mùa khỉ thế hệ mới trên thế giới, WHO không khuyến cáo tiêm phòng rộng rãi - Ảnh 2.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hiện có 2 loại vaccine được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng.
Ảnh: reuters.com

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan

Với các số liệu hiện có, các chuyên gia y tế trên thế giới cho rằng nếu người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo thì sẽ không dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine ngày 21/7, phần lớn các ca nhiễm đậu mùa khỉ đều nhẹ và không có ca tử vong. Tuy nhiên, vẫn có 13% người bệnh phải nhập viện và đa số đều không có biến chứng nặng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, ví dụ, trước phơi nhiễm hoặc sau khi phơi nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Sinh hoạt tình dục là nguyên nhân chính gây bệnh

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine ngày 21/7 cũng cho thấy 95% số ca đậu mùa khỉ lây qua sinh hoạt tình dục. Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nữ hoàng Mary ở London (Anh) dẫn đầu thực hiện.

Theo nghiên cứu, trong số những người mắc bệnh, tỉ lệ những người đồng tính nam hoặc nam giới quan hệ lưỡng tính chiếm đến 98%, những người nhiễm HIV chiếm 41%. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân đậu mùa khỉ là 38 tuổi.

Hơn 33% số ca bệnh từng đến những địa điểm có nguy cơ cao như các bữa tiệc tình dục, hoặc tắm hơi trong vòng 1 tháng trước khi xuất hiện các triệu chứng của đậu mùa khỉ.

Mặc dù sinh hoạt tình dục là nguyên nhân chính dẫn đến các ca nhiễm, song các nhà nghiên cứu nhấn mạnh virus có thể lây lan qua bất kỳ hình thức tiếp xúc gần nào, chẳng hạn như qua giọt bắn, quần áo và những bề mặt có dính virus đậu mùa khỉ.

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Theo đó, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế.

Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca mắc. 

Tại Việt Nam, đến ngày 24/7, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng.

Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi, hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.