Châu Âu chiến đấu với nạn “béo phì”

P.V
10:45 - 15/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Y tế thế giới đang vô cùng quan ngại về tình trạng béo phì không ngừng gia tăng ở châu Âu. Số người béo phì ở châu lục đã tăng 138% trong 5 thập kỷ qua.

Châu Âu chiến đấu với đại dịch “béo phì” - Ảnh 1.

Anh và Hy Lạp là 2 quốc gia có tình trạng béo phì diễn ra trầm trọng nhất. Nguồn: Euronews

"Béo phì" - một loại "dịch bệnh"

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang vô cùng quan ngại về tình trạng béo phì, thậm chí còn gọi béo phì là một "dịch bệnh" ở châu lục bởi tốc độ người thừa cân đang tăng nhanh chóng.

Theo ước tính của WHO, béo phì đang gây ra ít nhất 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm tại châu Âu. Hiện châu lục này cũng có tới gần 60% người trưởng thành và khoảng 30% trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì. Con số này cao hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, trừ châu Mỹ. Trong đó, Anh và Hy Lạp là hai quốc gia đang có tình trạng béo phì diễn ra nghiêm trọng nhất. Chính vì vậy, WHO đang thúc giục các nước châu Âu nhanh chóng có những biện pháp quyết liệt để đầy lùi "dịch bệnh" này.

WHO đã và đang kêu gọi các quốc gia đánh thuế đồ uống có đường và các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo để ngăn chặn tình trạng béo phì và tiểu đường tuýp hai. Tuy nhiên, một số chính phủ hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tiến độ triển khai các biện pháp này, đặc biệt là khi đa phần các biện pháp không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và những gia đình có thu nhập thấp.

Ngoài ra, WHO cũng đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng tình trạng béo phì ở trẻ em. Tổ chức này kêu gọi chính phủ các nước, nhà trường và gia đình xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ em ngay từ sớm, giảm bớt quảng cáo về các loại thực phẩm không lành mạnh đối với thanh thiếu niên, cũng như hạn chế phổ biến những trò chơi trực tuyến khiến cho giới trẻ mải chơi, lười vận động.

Anh sẽ cấm các hình thức ưu đãi, như "mua 1 tặng 1" hay "mua 3 tặng 2"

Tháng tư vừa qua, các cửa hàng, quán cafe và tiệm đồ ăn mua về tại Anh bắt buộc phải dán nhãn thông tin về lượng calo trong các sản phẩm của mình. Quy định này được áp dụng với những doanh nghiệp có hơn 250 nhân viên.

Thêm vào đó, đến năm 2023, Anh cũng sẽ áp dụng chính sách hạn chế phát sóng quảng cáo thực phẩm và đồ uống có nhiều muối, đường và chất béo trước chín giờ tối trên tivi. Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, Chính phủ Anh cũng sẽ cấm các hình thức ưu đãi, như "mua 1 tặng 1" hay "mua 3 tặng 2" đối với các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường và muối.

Ngoài ra, các siêu thị cũng sẽ không được phép quảng cáo thực phẩm và đồ uống dễ gây béo phì tại các khu vực quan trọng và "bắt mắt" trong cửa hàng, như lối vào hay quầy thanh toán nữa. 

Nhiều người dân Anh đón nhận quy định mới với tâm thế khá cởi mở. Theo Euronews, chị Vicki Prais, một luật sư tại Anh, trước đây từng bị béo phì, đã bắt đầu đầu cảm thấy khỏe mạnh hơn, tự tin hơn kể từ khi bắt đầu giảm cân. Chị cho biết yêu cầu dán nhãn thông tin về calo của Chính phủ là "một bước đi đúng hướng" góp phần giải quyết tình trạng béo phì.

Châu Âu chiến đấu với nạn “béo phì” - Ảnh 2.

Chương trình DIATROFI tại Hy Lạp cung cấp bữa sáng đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn: Viện Prolepsis

Hy Lạp thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh trong trường học

Ở Hy Lạp, hơn 40% trẻ em bị thừa cân và gần 1/5 trẻ em bị béo phì. Đây cũng là một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu. Nhằm ứng phó với tình trạng này, trong 10 năm qua, Viện Prolepsis cung cấp miễn phí các bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh tại nhiều trường học có hoàn cảnh khó khăn, nhằm chống lại tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm cùng căn bệnh béo phì.

Chương trình có tên là DIATROFI, nghĩa là "cho ăn" trong tiếng Hy Lạp. DIATROFI lúc ban đầu được khởi động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở Hy Lạp, và có nhiều học sinh bị đói khi đến trường. Chương trình cung cấp những bữa ăn sáng đủ chất dinh dưỡng với bánh mì sandwich, trái cây theo mùa hay sữa uống, sữa chua.  

Ngoài ra, chương trình cũng cung cấp tài liệu giáo dục, sách, trò chơi và các hoạt động khác về chủ đề dinh dưỡng lành mạnh, cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. 

Tính đến nay, DIATROFI đã cung cấp hơn 17 triệu bữa ăn miễn phí cho khoảng 120.000 học sinh tại 800 trường học trên khắp cả nước. Trung bình mỗi năm, Chương trình đã giúp giảm tới 40% tỷ lệ béo phì và một phần ba số trẻ bị thừa cân các trường được nhận sự hỗ trợ. 

Chương trình DIATROFI cũng được WHO đánh giá là một mô hình hiệu quả khuyến khích lựa chọn ăn uống lành mạnh ngay từ sớm cho trẻ nhỏ.

Athena Linos, Chủ tịch Viện Prolepsis, nói với Euronews Next rằng, thực tế có nhiều trẻ em đã  tăng cân khi quay lại trường sau kỳ nghỉ hè. Vì thế cần có nhiều việc phải làm để kiểm soát hiệu quả việc các loại thực phẩm không lành mạnh có thể xâm nhập vào trường học, cũng như hạn chế quảng cáo trên tivi các thực phẩm gây thừa cân, đặc biệt là trong các chương trình cho trẻ nhỏ.

Nguồn: Anh Thư/(euronews)