Điều gì giúp Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?

Trang Linh
11:15 - 15/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

GDP Nhật Bản giảm hai quý liên tiếp cuối năm 2023, khiến nước này rơi vào suy thoái, đồng thời mất ngôi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Điều gì giúp Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?- Ảnh 1.

Đức trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới. Ảnh: ANA Immigration

Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/2 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2023 của Nhật Bản tính bằng USD là 4.200 tỉ USD. Con số này lại thấp hơn Đức, với 4.500 tỉ USD, khiến Nhật Bản mất ngôi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới về tay quốc gia châu Âu.

Đồng Yên mất giá giúp Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới 

GDP Nhật Bản đi xuống chủ yếu do đồng Yên mất giá mạnh so với USD. Đồng yên giảm hơn 18% trong năm 2022 và 2023 so với USD, trong đó mất khoảng 7% riêng trong năm 2023 do Ngân hàng Nhật Bản đã duy trì lãi suất âm, đi ngược lại với xu hướng chung của các ngân hàng trung ương khác là liên tiếp tăng lãi suất.

GDP quý 4 năm 2023 của Nhật Bản cũng giảm 0,1% so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp quốc gia này tăng trưởng âm. Trên lý thuyết, họ đã rơi vào suy thoái.

Tiêu dùng cá nhân - đóng góp hơn nửa GDP đã giảm 0,2% trong quý 4 năm 2023 so với quý trước đó. Chi tiêu vốn - động lực quan trọng của lĩnh vực tư nhân - giảm 0,1%.

Điều gì giúp Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?- Ảnh 2.

Người dân mua đồ tại một cửa hàng ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Kinh tế Nhật Bản dựa nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xe hơi. Đồng Yên yếu sẽ có lợi cho các hãng xuất khẩu. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do suy giảm dân số và tỉ lệ sinh ở mức thấp.

Cả hai nền kinh tế đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đối mặt nhiều vấn đề lớn, nhưng Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn Đức do tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi dân số giảm và tỷ lệ sinh rất thấp.

Ấn Độ, với dân số trẻ đang phát triển và tốc độ tăng trưởng cao hơn, được dự đoán sẽ vượt qua cả Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào cuối thập kỷ này.

Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn hai thế giới, sau Mỹ, từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn thập niên 70 và 80, quốc gia này còn được dự báo trở thành nền kinh tế số một.

Tuy nhiên, bong bóng giá tài sản vỡ vụn đầu thập niên 90 đẩy nước này vào "thời kỳ mất mát", khiến kinh tế trì trệ và giảm phát suốt vài thập kỷ qua. Đến năm 2010, Nhật Bản mất ngôi nền kinh tế lớn hai thế giới vào tay Trung Quốc.

Khi đồng Yên được dự báo còn tiếp tục giảm, sức ép lên Thủ tướng Fumio Kishida sẽ càng tăng. Tháng 11/2023, ông đã công bố gói kích thích trị giá 17.000 tỉ Yên (tương đương 118,5 tỉ USD) nhằm thúc đẩy kinh tế Nhật Bản.

Nguồn: AFP, Reuters
Bình luận của bạn

Bình luận