Nhật Bản ghi nhận mức lạm phát cao nhất 41 năm qua
Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) tại Nhật Bản năm 2023 tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.
Theo số liệu chính thức được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 19/1, Chính phủ Nhật Bản cho biết chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) ở nước này năm 2023 tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng 41 năm trở lại đây. Nguyên nhân lạm phát Nhật Bản leo thang là do chi phí thực phẩm tăng cộng với việc đồng yên mất giá khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.
CPI ở Nhật Bản trong tháng 12 vừa qua tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này thấp hơn mức 2,5% trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 21 liên tiếp.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, phí khách sạn tăng 59% trong tháng 12, trong khi hóa đơn tiền điện giảm 20,5%.
Áp lực lạm phát Nhật Bản có thể chưa vội tăng lãi suất
Theo Nikkei Asia, số liệu lạm phát mới nhất được công bố trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương trước cuộc đàm phán hàng năm giữa người sử dụng lao động và liên đoàn lao động.
Trong tháng 11/2023, mức lương thực tế trung bình ở Nhật Bản - được điều chỉnh theo lạm phát - đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp, cho thấy lạm phát tiếp tục phủ bóng lên hiệu quả của việc tăng lương.
Liên đoàn lao động Rengo, nhóm lớn nhất đại diện cho nhiều công đoàn ngành khác nhau ở Nhật Bản, đang yêu cầu tăng lương từ 5% trở lên trong các cuộc đàm phán sắp tới.
KanakoNakamura - Nhà kinh tế học thuộc Viện nghiên cứu Daiwa kỳ vọng tốc độ tăng lương năm 2024 sẽ hơn năm trước, đồng thời nhận định, sẽ có một chu kỳ trong đó cả tiền lương và giá cả đều tăng. Daiwa cũng dự kiến lạm phát lõi trung bình ở mức 2,8% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4.
Dữ liệu chính thức cho thấy, lạm phát đã giảm ở cấp độ toàn cầu nhưng Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất có thu nhập không tăng theo giá trị thực.
Theo tài liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản tổng hợp vào tháng 12/2023, tiền lương thực tế tại Mỹ ở quý III/2023 tăng 0,7%. Cùng kỳ, Vương Quốc Anh ghi nhận mức tăng 1,6%, trong khi mức tăng tại Đức là 0,6%. Nhưng tại Nhật Bản, tiền lương thực tế giảm 2,6% trong cùng quý, đồng nghĩa với quý giảm thứ sáu liên tiếp.
Lạm phát tại Nhật Bản đạt đỉnh 4,6% ở quý 4 năm 2022 và giảm xuống 3,7% trong quý 3 năm 2023 nhưng tiền lương danh nghĩa (mức thù lao được biểu thị qua giá trị của đồng tiền hiện hành) trong quý này chỉ tăng 0,9%. Lương danh nghĩa tăng chậm dẫn đến mức tăng lương thực tế âm.
Các nhà kinh tế dự báo, tiền lương thực tế của Nhật Bản sẽ tăng trong năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng 4. Nhưng một số người nhận định lương thực tế chỉ tăng ở năm tài chính 2025.
Nếu không tăng lương thực tế, người tiêu dùng sẽ không thể "nới lỏng" hầu bao. Từ góc độ của các doanh nghiệp, điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, trong đó doanh thu sụt giảm sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư hoặc huy động vốn.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy áp lực lạm phát do chi phí đẩy tại Nhật đang giảm dần, đúng như dự báo trước đó của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Chỉ số giá sản xuất tháng 12 tại nước này không thay đổi so với cùng kỳ năm trước và tăng với mức thấp nhất trong vòng gần 3 năm. Mức tăng giá tiêu dùng ở thủ đô Tokyo trong tháng cũng ở mức chậm nhất trong hơn 1 năm.
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, đa số các nhà kinh tế dự báo BOJ sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất âm trong cuộc họp sắp tới, bởi các nhà chức trách nước này vẫn đang đánh giá tác động từ loạt trận động đất ở khu vực Tây Bắc hồi đầu năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google