Diễn viên, hướng dẫn viên du lịch thuộc ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thiên Ân
07:09 - 21/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH về danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp và cao đẳng.

Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH về việc ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng.

Đáng chú ý, Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH đã cập nhật và bổ sung thêm nhiều ngành, nghề Nghệ thuật xếp vào diện nặng nhọc, độc hại.

Cụ thể, ở nhóm ngành Nghệ thuật, các ngành, nghề được xếp vào nặng nhọc, độc hại gồm: Điêu khắc, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Nghệ thuật biểu diễn xiếc, Diễn viên kịch - điện ảnh, Diễn viên múa, Diễn viên sân khấu kịch hát, Chỉ huy âm nhạc...

Diễn viên, hướng dẫn viên du lịch thuộc ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Ảnh 1.

Nghệ thuật biểu diễn xiếc thuộc ngành/nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh: Thiên Ân

Nhóm ngành Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân gồm: Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ lưu trú, Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị buồng phòng.

Nhóm ngành Môi trường và bảo vệ môi trường gồm: Xử lý rác thải, An toàn phóng xạ.

Nhóm ngành Sản xuất và chế biến gồm: Chế biến thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật sản xuất muối, Sản xuất muối từ nước biển, Công nghệ dệt, May thời trang...

Nhóm ngành Dịch vụ vận tải gồm: Điều khiển phương tiện thủy nội địa; Điều khiển tàu biển; Bảo đảm an toàn hàng hải; Vận hành khai thác máy tàu…

Nhóm ngành Quân sự gồm: Trinh sát biên phòng, Huấn luyện động vật nghiệp vụ, Kỹ thuật cơ điện tăng thiết giáp, Sử dụng và sửa chữa thiết bị vô tuyến phòng không, Khí tài quang học, Thông tin Hải quân, Ra đa tàu Hải quân.

Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023 và áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh, tổ chức đào tạo từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành.

Chi tiết danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng XEM TẠI ĐÂY.

Một ngành, nghề học được coi là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi có thời gian thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo có liên quan đến các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo của ngành, nghề đó.

Việc xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong chương trình đào tạo căn cứ vào quy định tại Thông tư 11/2020/TTBLĐTBXH ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.