Dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế

Trang Linh
12:17 - 01/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu nút thắt trong quy định về đào tạo văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ, mục tiêu đến năm 2030 thu hút từ 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp khó có thể hoàn thành.

Nếu không gỡ nút thắt quy định về đào tạo văn hóa, giáo dục nghề nghiệp sẽ khó thu hút học sinh

Phát biểu tại nghịt rường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, từ năm 2020, hoạt động dạy nghề kết hợp dạy văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Do đó, học sinh đã không mặn mà với hình thức học tập này.

dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Công Thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng khẳng định, "đầu tháng 5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu nút thắt trong quy định về đào tạo văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ, mục tiêu này khó có thể hoàn thành.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng, quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2019 trở về trước, đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh ngay tại trường. 

Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, từ năm 2020, hình thức giảng dạy này đã bị dừng lại. Vấn đề này cũng đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn tại Quốc hội khóa XIV nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, trong đó quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên cũng chưa giải quyết triệt để vấn đề.

Dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm giáo dục thường xuyên

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung lý giải, Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT chỉ quy định cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 4 môn văn hóa mà không phải dạy 7 môn nên học sinh học không được tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như không có điều kiện học tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng.

Rất nhiều học sinh đã không chọn vừa học nghề vừa học trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên không được thuận lợi.

Chuyện “sáng đi học nghề, chiều học kiến thức của phổ thông” cũng rất khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Vậy nên tỉ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm mạnh. 

Trước những bất cập đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định dạy văn hóa trung học phổ thông là hình thức giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình giảng dạy để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục được phát triển.