Điểm số qua các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và số phận môn Lịch sử
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 với đa số các thí sinh được 5-6 điểm môn Lịch sử. Tại sao môn học này luôn được xem là môn khô khan, tạo ra nhiều tranh cãi nhưng vẫn không tổ chức dạy và học hiệu quả được.
Trong 9 môn thi, môn Lịch sử có 683.447 thí sinh tham gia thi và điểm trung bình là 6.03 điểm, điểm trung vị là 6.0 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.75 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0.006%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170,237 (chiếm tỷ lệ 24.91%).
Nếu so sánh với các môn thi khác, môn Lịch sử có tỉ lệ nhiều thí sinh dưới trung bình đứng thứ 2, sau môn tiếng Anh. Điểm từ 9,0 trở lên đối với môn này là 20.936 bài thi, tương đương với tỉ lệ 3,06%. Rõ ràng, đây là một con số cho thấy môn Lịch sử không có nhiều điểm giỏi.
Tuy nhiên, điểm môn Lịch sử năm nay nếu so với một số năm gần đây vẫn là con số khả quan bởi không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua đã có những ý kiến về sách giáo khoa, về cách dạy, học và thi môn Lịch sử.
Nếu chỉ có những con số và sự kiện khô khan sẽ khó tạo được tính hấp dẫn đối với môn học
Nói về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tới đây, phát biểu với 63 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vào chiều ngày 21/7 trong Hội nghị các giám đốc Sở, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Về hình thức tổ chức, mô hình sẽ giữ ổn định đến trước năm 2025. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, nội dung cũng cần phải có chút điều chỉnh; coi kỳ thi của năm 2024 như một bước đệm để đổi mới nhiều hơn trong kỳ thi của năm 2025, tránh gây sốc đối với xã hội.
Liên quan đến việc học và thi cử, kiểm tra đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu yêu cầu đổi mới phải đi vào nội dung của từng môn học. Lấy ví dụ từ đề thi môn Lịch sử, Bộ trưởng cho rằng: "Nếu dạy học lịch sử mà chỉ có kiểm tra và thiên về số lượng hoặc như tổ chức họp ở đâu, họp năm nào, bao nhiêu người họp, thu được bao nhiêu súng, giết được bao nhiêu quân địch…, thì môn Lịch sử sẽ không bao giờ hấp dẫn cả. Những câu hỏi kiểm tra theo kiểu diễn ra ở đâu, năm nào… chưa phải là những điều mà môn Lịch sử cần đem lại về nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm… qua môn học và do vậy cần phải tiếp tục đổi mới".
Rõ ràng, những chia sẻ về môn Lịch sử của vị tư lệnh ngành cho thấy việc dạy và học, cũng như kiểm tra, thi cử môn Lịch sử hiện nay cần phải đổi mới, không thể cứ mãi tái hiện những con số khô khan, cứng nhắc, học thuộc để thi, thi xong rồi thôi.
Môn Lịch sử giúp cho chúng ta hiểu được chiều dài của đất nước, hiểu được quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông mình qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Từ những trang sử đó, hình thành cho mỗi học sinh, mỗi con người niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc. Nhưng, nhiều học sinh bây giờ lại thờ ơ, hững hờ với môn Lịch sử. Hay nói đúng hơn là sách giáo khoa, cách dạy và thi môn Lịch sử khiến cho học sinh hững hờ với môn học và đối phó với các kì thi.
Năm nay, tỉ lệ điểm thi dưới trung bình môn Lịch sử là 24.91%; năm 2022 tỉ lệ 19,34%; năm 2021 tỉ lệ 52.03%; năm 2020 tỉ lệ 46,95%; năm 2019 tỉ lệ dưới trung bình là 70,01%... Những số liệu thống kê sau kì thi tốt nghiệp trung học hằng năm cho thấy, môn Tiếng Anh và môn Lịch sử thường đứng đội sổ về tỉ lệ điểm dưới trung bình.
Chỉ còn 1 năm nữa, 1 kỳ thi nữa là hết chương trình 2006, liệu rồi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì điểm thi môn Lịch sử có khả quan hơn và chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách học, cách thi có thay đổi?
Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện ra sao?
Thực ra, điểm thi môn Lịch sử thấp không đồng nghĩa là học sinh phổ thông không thích lịch sử, không yêu môn học này mà điểm thi thấp còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Điều mà học sinh sợ nhất hiện nay là những con số khô khan, những sự kiện lịch sử quá nhiều khiến cho môn học này kém đi phần hấp dẫn hoặc khiến cho nhiều học sinh sợ hãi khi học môn Lịch sử.
Chương trình giáo dục phổ thông mới dù được hy vọng rất nhiều về sự thay đổi nhưng có lẽ vẫn còn đó những băn khoăn nhất định. Theo thiết kế ban đầu, Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua chương trình dự thảo, chương trình chính thức từ nhiều năm trước đây.
Theo đó, chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12) và có một lộ trình rất rõ ràng. Đó là giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử là nội dung bắt buộc nhưng đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn.
Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào năm học 2022-2023 - khi mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai giảng dạy ở lớp 10 thì dư luận xã hội lên tiếng phản đối môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông sẽ là môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhiều cơ quan chức năng vào cuộc.
Cuối tháng 6/2022, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV về lĩnh vực giáo dục đào tạo đã yêu cầu: "Thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh...".
Như vậy, nếu so sánh với chương trình 2006, môn Lịch sử được đứng riêng, độc lập, là môn học bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 12. Thế nhưng, chương trình 2018 thì ở cấp trung học cơ sở môn Lịch sử đã được tích hợp với môn Địa lí để thành môn Lịch sử và Địa lí. Mãi đến lớp 10 thì môn Lịch sử mới được đứng riêng, độc lập và nó là môn học vừa là bắt buộc và lựa chọn.
Điều đặc biệt là theo dự thảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thì môn Lịch sử sẽ là 1 trong 4 môn thi bắt buộc.
Với rất nhiều thay đổi như vậy, hy vọng môn Lịch sử sẽ thay đổi về chất lượng, về điểm số. Tuy nhiên, vấn đề cần hơn cả là cách ra đề thi cũng cần được thay đổi. Đề thi Lịch sử không thể bám mãi vào những câu hỏi khô khan, nhàm chán, thách thức học thuộc lòng của học sinh, như: "tổ chức họp ở đâu, họp năm nào, bao nhiêu người họp, thu được bao nhiêu súng, giết được bao nhiêu quân địch…"- như lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nói vừa qua.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google