Nỗ lực khắc phục khó khăn từ dịch bệnh tới thiên tai

Quang Minh
14:28 - 12/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 vừa tạm chấm dứt, cũng là lúc có thêm nhiều dịch bệnh mới hoành hành. Tháng 10, liên tiếp thiên tai, bão lũ lại ập về khiến đời sống muôn phần khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn ấy chưa bao giờ thách thức được người Việt Nam.

Những con số đáng ngại

Tính tới ngày 11/10, Việt Nam vẫn đang có 1.226 ca mắc COVID-19 mới, có 1 bệnh nhân tử vong. Tính từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.488.685 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi nền kinh tế. 

Không chỉ có dịch COVID-19, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt với khá nhiều bệnh dịch mới, nguy hiểm không kém. Theo Bộ Y tế, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 247 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, 100 ca tử vong; Bên cạnh đó, căn bệnh lạ "đậu mùa khỉ" cũng được cảnh báo với mức độ nguy hiểm cao; Số ca bệnh mắc virus Adeno có thời gian tăng đột biến lên tới hơn 1.400 ca. Và còn nhiều dịch bệnh khác mang lại một cục diện khó khăn cho cả nước. 

Ngoài dịch bệnh hoành hành, thiên tai là vấn đề khó khăn, nguy hiểm thường xuyên phải đối mặt của người Việt. Thiên tai đã khiến 139 người chết, thiệt hại hơn 5.100 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11/10, thiên tai trên cả nước đã khiến 139 người chết, 211 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5.100 tỷ đồng. 

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tính từ đầu năm tới ngày 11/10, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Nỗ lực khắc phục khó khăn từ dịch bệnh tới thiên tai - Ảnh 1.

Bộ đội giúp dân ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn dọn dẹp sau lũ quét. Nguồn: Dangcongsan.vn

Trên đây là những con số đáng ngại. Khiến ảnh hưởng không nhỏ tới nhịp độ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trước những khó khăn ấy, người Việt Nam với sự đồng lòng, nhất trí, đoàn kết, hết mình đã biến đau thương thành hành động. 

Sau cơn mưa, trời lại sáng

Những ngày qua, theo dõi những hình ảnh cảm động của quân và dân ta ở Miền Trung đang cùng nhau khắc phục thiên tai, bão lũ, ai cũng cảm thấy yêu thương và tự hào. Từ những chiến sỹ bộ đội giúp người dân khai thông các tuyến đường bị sạt lở ở Hà Tĩnh, Nghệ An; các chiến sỹ công an nhanh chóng có mặt và tìm kiếm những người bị nạn trong những sự cố do mưa lũ, thiên tai ở Quảng Ngãi; Tại Quảng Nam, nhiều người dân nơi đây và du khách lại chung tay dọn dẹp rác, quét bùn, khơi thông dòng chảy, nhằm giữ gìn mỹ quan cho thành phố... Tất cả như có phép màu, giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn, đại nạn. 

Theo số liệu 9 tháng năm 2022 được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nền kinh tế Việt Nam đã bứt tốc mạnh mẽ, tăng trưởng GDP quý III vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 8,83%. Do đó, tăng trưởng kinh tế cả năm nay nhiều khả năng sẽ vượt xa so với mục tiêu đặt ra.
Nỗ lực khắc phục khó khăn từ dịch bệnh tới thiên tai - Ảnh 3.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể tới 8,5%. Ảnh: IT

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng, nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả đã đưa Việt Nam thành nền kinh tế nhận được nhiều dự báo tăng trưởng GDP tích cực nhất châu Á. Các tổ chức quốc tế như Moody, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%. 

Kết quả tăng trưởng GDP là thành tựu chung dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng DN trong chớp cơ hội biến thách thức thành cơ hội. Ngay khi có những "chỗ trống" trên thị trường quốc tế cũng như chuỗi cung ứng, người Việt đã tranh thủ tạo chỗ đứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như sản xuất.

Do lòng tin được củng cố, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động dần tăng. 

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế mũi nhọn đều được phục hồi mạnh mẽ, được bổ sung, đầu tư, tạo điều kiện về hành lang pháp lý thuận lợi. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều hồi phục nhanh chóng và ngoạn mục, thậm chí nhiều doanh nghiệp hồi phục gần như trước COVID-19. 

Bức tranh kinh tế đã trở lại tích cực, triển vọng tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế nước nhà được rất nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sau khó khăn, chúng ta càng thấy sức bật mạnh mẽ của một quốc gia đang phát triển như thế nào. Không khó khăn nào cản được Việt Nam trên đường tiến tới một cường quốc mạnh giàu, văn minh, xứng đáng với những nỗ lực đáng trân trọng của người Việt Nam./.