Đi ngược xu hướng tăng trưởng của ngành, Cảng Hải Phòng lợi nhuận giảm
Kết quả kinh doanh quý I/2022 của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho thấy lợi nhuận giảm và dòng tiền âm, đi ngược với xu thế tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Cảng Hải Phòng là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, do Pháp xây dựng cách đây 148 năm.
Từ những năm 1960, cảng được Liên Xô giúp xây dựng nâng cấp công suất lên gấp hàng chục lần. Đến năm 1982 cơ bản hoàn thành với 11 cầu tàu tại khu vực cảng chính. Đến năm 1985, còn hình thành thêm khu vực Cảng Vật Cách, Cảng Đoạn Xá và Cảng Chùa Vẽ.
Đến năm 2014, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán PHP, sàn Hnx) được cổ phần hóa với vốn điều lệ 3.269 tỉ, phần vốn nhà nước do Vinalines nắm giữ chiếm 92,56% vốn điều lệ.
Với vốn điều lệ 3.269,6 tỉ đồng, PHP hiện là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp cảng biển trên sàn chứng khoán.
Tỉ suất lợi nhuận mỏng
Tuy nhiên, các năm vừa qua, kết quả kinh doanh của công ty chưa có nhiều chuyển biến. Năm 2016, công ty có doanh thu 2.402 tỉ và lợi nhuận sau thuế 598,6 tỉ.
Năm 2021, doanh thu đạt 2.284,6 tỉ, giảm 5% so với 5 năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 696,4 tỉ, tăng vỏn vẹn 16% so với 5 năm trước.
Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của công ty là khá mỏng, năm 2016 là 2,5%, đến 2021 tăng lên thành 3%. Trong thời gian đó, nhiều doanh nghiệp cảng biển khác đạt mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với PHP.
Ví dụ, Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh năm 2016 lợi nhuận sau thuế là 8,1 tỉ. Đến năm 2021, lợi nhuận tăng gấp 5,3 lần lên 43 tỉ, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 22%. Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai có lợi nhuận năm 2021 tăng gấp 2,43 lần so với năm 2016 và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 18%. Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng có lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 86,8% so với năm 2016 và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 22%. Công ty cổ phần Container Việt Nam trong thời gian này có lợi nhuận sau thuế tăng 58% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu đạt 21,9%...
Bảng so sánh tăng trưởng lợi nhuận và biên lợi nhuận của một số doanh nghiệp cảng biển
Lợi nhuận sau thuế 2021 so với 2016 | Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu năm 2021 | |
---|---|---|
Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng | Tăng 16% | 3% |
Công ty cổ phần cảng Cam Ranh | Tăng gấp 5,3 lần | 22% |
Công ty cổ phần cảng Đồng Nai | Tăng gấp 2,43 lần | 18% |
Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng | Tăng 86,8% | 22% |
Công ty cổ phần Container Việt Nam | Tăng 58% | 21,9% |
Công ty cổ phần Gemadep | Tăng 62% | 22,5% |
Đi ngược xu hướng tăng trưởng của ngành
Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng công bố nghị quyết Hội đồng quản trị số 111/NQ-CHP về việc ký kết hợp đồng hợp tác khai thác cầu bến, bốc xếp, giao nhận, lưu kho bãi container giữa Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Cảng VIMC Đình Vũ.
Được biết, Công ty cổ phần VIMC Đình Vũ là công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (cổ đông lớn nắm giữ 92,56% vốn điều lệ của PHP).
Trước đó, PHP cũng công bố nghị quyết Hội đồng quản trị số 106/NQ-CHP về việc chấp thuận ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ ủy thác chấm bay container năm 2022 giữa Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Dịch vụ Hàng hải Phương Đông (Orimas) - Chi nhánh Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam.
Bên sử dụng dịch vụ là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, bên cung cấp dịch vụ là Orimas - Chi nhánh Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam. Hai công ty này cùng có vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Kết quả kinh doanh quý I/2022 của PHP có lợi nhuận giảm và dòng tiền âm, đi ngược với xu thế tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Theo Báo cáo tài chính riêng, tại ngày 31/3/2022, tổng tiền và tương đương tiền của PHP là 36 tỉ, chỉ bằng 17,5% quý I năm ngoái. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 2,25 lần lên 607,7 tỉ, trong đó chủ yếu do khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng gấp 61 lần năm ngoái lên thành 322 tỉ.
Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng nhẹ lên thành 25,4 tỉ. Đầu tư tài chính dài hạn tăng nhẹ 1% lên thành 1.377,7 tỉ, trong đó dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn là 15 tỉ. Nợ phải trả là 870,8 tỉ, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý I/2022, PHP đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 306,4 tỉ, tăng nhẹ 2% so với quý I/2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý I/2022 chỉ đạt 97,2 tỉ, giảm 9,2% so với quý I năm ngoái.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 4,6 tỉ xuống còn 62,2 tỉ trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,6% lên 17,3 tỉ nên lợi nhuận trước thuế quý I/2022 chỉ đạt 140,5 tỉ, giảm 10,3% so với quý I năm ngoái.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 267,4 tỉ trong khi quý I/2021 dương 50,7 tỉ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 168,9 tỉ, trong khi quý I năm ngoái dương 34,3 tỉ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google