Tài sản 10 triệu USD, chi tỉ USD thâu tóm dự án khủng, Viva Land bị nghi là “sân sau”

Vân Anh
22:09 - 26/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tài sản rất khiêm tốn, chỉ hơn 10 triệu USD nhưng gần đây, thế lực bất động sản mới nổi Vivaland gây ấn tượng chi tỉ USD để thâu tóm nhiều dự án khủng. Chính vì vậy, công ty này bị nghi là “sân sau” của đại gia “giấu mặt”.

Chi tỉ USD thâu tóm loạt dự án khủng

Năm 2021, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land (Viva Land) đã chi khoảng 361 triệu USD (khoảng 8.340 tỉ đồng) để mua tòa nhà văn phòng Robinson Point Tower cao 21 tầng. Đây là thương vụ khủng nhưng phải đến cuối năm 2021, Viva Land mới thực sự là cái tên nổi bật khi thực hiện M&A dự án lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tài sản 10 triệu đô, chi tỉ đô thâu tóm dự án khủng, Viva Land bị nghi là “sân sau” - Ảnh 1.

Saigon One Tower có vị trí đắc địa bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh, vừa có chủ mới là Viva Land. Ảnh: Báo Đầu tư

Tháng 12/2021, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh xôn xao trước thông tin dự án “đóng băng” nhiều năm Saigon One Tower có chủ mới là Viva Land. Sau đó, dự án được đổi tên thành IFC One, Saigon.

Lúc này, cái tên Viva Land nhận được sự chú ý lớn từ giới đầu tư địa ốc vì Saigon One Tower là một trong những dự án “lận đận” bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh. Dù qua tay nhiều ông chủ hàng đầu, dự án vẫn chưa thể hồi sinh.

Giá trị cuộc mua bán này không được tiết lộ, chỉ biết Saigon One Tower được thế chấp cho khoản vay tín dụng tính cả gốc và lãi đến năm 2017 lên đến hơn 7.000 tỉ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.

Chưa dừng lại ở đó, vào đầu năm 2022, CapitaLand Development (CLD), thành viên của Tập đoàn CapitaLand thông báo đã thoái vốn khỏi Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế tại Hà Nội. Người mua lần này vẫn là Viva Land. Mức giá của thương vụ gây chấn động khi lên tới 550 triệu USD (gần 12.500 tỉ đồng). 

Giữa tháng 6 năm nay, Viva Land lại “nóng hầm hập” trong làng M&A khi cái tên này xuất hiện trên khu đất quy mô hơn 13.000m2 có vị trí đắc địa mặt tiền đường Trần Phú từng được Tập đoàn FLC quy hoạch triển khai tòa tháp 72 tầng nhưng không thành công.

Không chỉ thực hiện M&A, Viva Land còn tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình ở thị trường Singapore. Cách đây không lâu, The Business Times dẫn nguồn tin cho hay, khách sạn SO/ Singapore - tọa lạc tại góc đường Robinson Rd và Boon Tan St, đối diện với khu ẩm thực Lau Pa Sat - đã được bán với giá 240 triệu SGD (gần 4.000 tỉ đồng). Và bên mua là Viva Land.

Có thể thấy, chỉ trong khoảng 2 năm, Viva Land đã thực hiện các thương vụ M&A tổng trị giá cả tỉ USD.

Tài sản 10 triệu đô, chi tỉ đô thâu tóm dự án khủng, Viva Land bị nghi là “sân sau” - Ảnh 3.

Một dự án văn phòng hạng A tại Hà Nội thuộc sở hữu của Viva Land. Ảnh: Báo Lao Động

Tài sản vừa tăng từ 1,7 triệu USD lên 10,4 triệu USD

Câu chuyện thâu tóm của Viva Land trở nên ly kỳ hơn bao giờ hết khi vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của công ty được hé lộ. 

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land (có tiền thân là Công ty cổ phần Cirious Power) thành lập ngày 15/9/2019, có địa chỉ tại Tầng 3, số 422 Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Kim Khánh.

Viva Land có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm các bà: Nguyễn Thị Kim Khánh (sở hữu 30% vốn điều lệ), Nguyễn Thị Ngọc Mai (25%) và Dương Thị Hạnh (20%).

Tuy nhiên, trên thực tế, con số vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng có thể không được các cổ đông góp đủ nên hồi cuối năm 2019, năm đầu tiên thành lập, Viva Land chỉ ghi nhận 28,2 tỉ đồng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu âm 101 triệu đồng.

Bước sang năm 2020 và 2021, vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 30,9 tỉ đồng và 41,1 tỉ đồng. Tổng tài sản năm 2020 chỉ nhúc nhích nhẹ, đạt 39,3 tỉ đồng (khoảng 1,7 triệu USD). Bước sang năm 2021, chỉ tiêu này vọt lên 242 tỉ đồng (khoảng 10,4 triệu USD). 

Có thể thấy, với quy mô tổng tài sản chỉ từ 1,7 triệu USD đến 10,4 triệu USD, rất khó cho một công ty huy động được cả tỉ USD để thực hiện các thương vụ M&A khủng.

Viva Land lấy tiền ở đâu để thanh toán?

Có thể thấy, các thương vụ “khủng” của Viva Land được thực hiện nhiều trong 2021 và 2022. Thế nhưng, không lâu trước thời điểm các cuộc mua bán diễn ra, tiền và tài sản của Viva Land vô cùng khiêm tốn so với những đợt “mua sắm”.

Cụ thể, trong năm 2021, chỉ với hai thương vụ thâu tóm Robinson Point Tower và Saigon One Tower, chắc chắn Viva Land phải chi nửa tỉ USD. Thế nhưng, trước đó, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản công ty chỉ khiêm tốn ở mức 1,7 triệu USD, đặc biệt tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 11,5 tỉ đồng.

Vậy Viva Land lấy tiền ở đâu để thanh toán? 

Nếu tiền của công ty không đủ, Viva Land có thể đi vay hoặc phát hành trái phiếu. Nhưng không có thông tin nào cho thấy Viva Land phát hành trái phiếu. Còn trong bảng cân đối kế toán của công ty cũng không có dữ liệu nào cho thấy Viva Land đã đi vay.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021 và ngày 31/12/2020, 2 chỉ tiêu vay và thuê tài chính dài hạn; vay và thuê tài chính ngắn hạn tại Viva Land đều là 0 đồng. Trong bản lưu chuyển tiền tệ cũng không xuất hiện bóng dáng nợ vay và chi phí lãi vay.

Có thể thấy, nếu chỉ dựa vào nội tại doanh nghiệp, Viva Land không đủ năng lực để thực hiện các thương vụ kể trên. Câu chuyện càng trở nên khó hiểu khi Viva Land không nhờ đến nguồn lực bên ngoài (vay vốn).

Và quan trọng hơn, sau khi thực hiện hai thương vụ thâu tóm trị giá nửa tỉ USD trong năm 2021, giá trị hai tài sản này không được ghi nhận vào tổng tài sản của công ty. 

Vì vậy, nghi ngờ Viva Land là “sân sau” của đại gia bất động sản nào đó không phải không có cơ sở.