Thắng lớn năm 2021, nhưng "ông lớn" cao su trên sàn chứng khoán chỉ dám "đi ngang" trong năm nay

Văn Tâm
01:17 - 26/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2021, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam ghi nhận mức lợi nhuận vượt hơn 10% so với kế hoạch đề ra, nhưng cổ tức lại giảm. Với kế hoạch năm 2022, những con số mà "ông lớn" này đề ra không thay đổi mấy so với năm trước.

Thắng lớn năm 2021, nhưng "ông lớn" cao su trên sàn chứng khoán chỉ dám "đi ngang" trong năm nay  - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức ngày 17/6.

Cổ tức "đi lùi" dù lợi nhuận tăng

Là Tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, với vốn điều lệ 40.000 tỉ và mức vốn hóa hiện trên 90.000 tỉ đồng, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR, sàn HoSE) nằm trong số những doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất VN30 và sàn HoSE. Biến động giá của GVR ảnh hưởng khá lớn đến VNIndex. 

GVR là doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, đồng thời có vị thế lớn trong lĩnh vực chế biến gỗ, cũng như phát triển khu công nghiệp.

Những năm đầu sau khi cổ phần hóa, GVR tăng trưởng khá mạnh. 

Kết quả kinh doanh của GVR

Năm Doanh thu

Lợi nhuận sau thuế

2018

14.090

2544

2021 

26.226

5340

Tuy nhiên, cuối năm 2021, kết quả kinh doanh của GVR bắt đầu chững lại. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 chỉ đạt 1786,6 tỉ, bằng một nửa quý IV/2020.

Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 17/6, theo hình thức trực tuyến, đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 của GVR. Theo đó, doanh thu công ty mẹ đạt 3.970 tỉ, lợi nhuận sau thuế đạt 2.334 tỉ, doanh thu hợp nhất đạt 28.351 tỉ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 5.340 tỉ. Tất cả đều vượt từ 4,5% - 17% kế hoạch Đại hội cổ đông năm 2021 đã đề ra.

Duy chỉ có cổ tức tiền mặt chỉ bằng 68,3% kế hoạch, dừng ở mức 4,1%, trong khi theo kế hoạch là 6%. Lý giải điều này, ông Phạm Văn Thành, thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho Đoàn chủ tịch giải thích kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, tuy nhiên không đủ để chia cổ tức 6%. Do đó, Tập đoàn trình Đại hội cổ đông chia cổ tức là 4,1% và trích quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý, phần còn lại trích quỹ đầu tư phát triển để đầu tư các dự án nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông.

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là số liệu doanh thu hợp nhất trong Báo cáo sản xuất kinh doanh, Báo cáo Hội đồng quản trị và Báo cáo Ban kiểm soát lại chênh lệch khá lớn với số liệu trong Báo cáo kiểm toán 2021. Cụ thể, trong đó, doanh thu hợp nhất là 26.226 tỉ, chênh lệch 2.125 tỉ so với số liệu trên. Nhưng GVR lại không lên tiếng về con số chênh lệch này.

Thắng lớn năm 2021, nhưng "ông lớn" cao su trên sàn chứng khoán chỉ dám "đi ngang" trong năm nay  - Ảnh 3.

Nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tại Campuchia. Ảnh: GVR

Kế hoạch lợi nhuận đi ngang 

Năm 2022, GVR đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ đạt 4.460 tỉ, tăng 12,3% so với năm 2021, doanh thu hợp nhất là 29.707 tỉ, tăng 4,8% so với 2021. Còn kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2022 đều giữ ở mức xấp xỉ năm trước, lần lượt là 2.300 tỉ và 5.340 tỉ. Cổ tức năm 2022 dự kiến là 5%. 

Trong năm 2022, Tập đoàn GVR đặt kế hoạch đầu tư 2.360 tỉ.

Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản 1278,2 tỉ (gấp 277 lần năm 2021), đầu tư tài chính dài hạn 1.082 tỉ (gấp 3,5 lần năm 2021), bao gồm đầu tư vào Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV 999,9 tỉ (gấp 3,7 lần năm 2021) và đầu tư vào doanh nghiệp khác 82,1 tỉ (gấp 2,1 lần năm 2021).

Theo ông Thành, dự kiến cơ cấu lợi nhuận của Tập đoàn năm nay sẽ chủ yếu đến từ mảng bán mủ cao su và bán thanh lý gỗ cao su. Nếu thoái vốn thành công, lợi nhuận hợp nhất đối với thoái vốn đầu tư tài chính ước đạt 500 - 600 tỉ, chiếm dưới 10% tổng lợi nhuận của Tập đoàn.

Trước thắc mắc tại sao kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lại đi ngang, ông Thành, cho biết mảng kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hiện nay là mủ cao su. Mặc dù, năm nay, GVR có thuận lợi là dự kiến thời tiết ủng hộ, giúp sản lượng khai thác ước vượt kế hoạch từ 6 - 8%. Tuy nhiên, công ty lại gặp khó khi so với năm 2021, giá nguyên liệu tăng, chi phí tiền lương cơ bản cũng dự kiến tăng. 

Bên cạnh đó, tập đoàn có định hướng phát triển mạnh mảng khu công nghiệp. Nhưng vì vướng cơ chế đất đai, nên đến nay vấn đề này chưa được tháo gỡ.

Bình luận của bạn

Bình luận