Đề thi tuyển sinh môn Toán Thành phố Hồ Chí Minh được cho là có "sạn": Giáo viên dạy chuyên Vật lí nói gì?

Ly Hương
18:43 - 09/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thầy giáo Mai Văn Túc, giáo viên môn Vật lí Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra điểm bất hợp lí trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 8/6, Tạp chí Công dân và Khuyến học đăng tải bài viết "Đề thi tuyển sinh môn Toán vào lớp 10 Thành phố Hồ Chí Minh có "sạn"?".

Theo đó, thầy giáo Mai Văn Túc, giáo viên môn Vật lí Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều giáo viên cho rằng, nội dung bài 5 đề thi môn Toán tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh có sai sót về kiến thức Vật lí. Nhiều giáo viên cũng đã chứng minh điểm bất hợp lí ở câu 5 của đề thi Toán.

Liên quan đến bài 5 đề thi môn Toán được cho là có "sạn", thầy giáo Mai Văn Túc nêu quan điểm

"Trước hết tôi đánh giá cao ý tưởng ứng dụng toán vào cuộc sống của nhóm tác giả đề thi. Tuy nhiên khi vận dụng toán vào thực tế có liên quan đến kiến thức lĩnh vực khác cần hết sức thận trọng" - thầy giáo Mai Văn Túc cho biết. 

Vì vậy, dù đỗ hay không đỗ thì đề thi phải có nội dung sao cho sau khi thi người tham gia đều có thêm được kiến thức ít nhiều. Hiện nay, sách giáo khoa nhiều "sạn" cũng một phần do áp lực liên môn và vận dụng nhưng bản thân các tác giả lại không được đào tạo theo hướng đó. 

Đề thi tuyển sinh môn Toán Thành phố Hồ Chí Minh được cho là có "sạn": Giáo viên dạy chuyên Vật lí nói gì? - Ảnh 2.

Vật lí là môn học hứng thú đối với học sinh. Minh hoạ: Free/image

Thầy giáo Mai Văn Túc cho biết, với câu 5 trong đề thi Toán được bàn đến, kiến thức vật lý có một số vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, đề bài đưa ra một quy luật không có thật. Quá trình chuyển hóa năng lượng khi đun nước tính từ khi bật công tắc (lúc t=0); điện năng chuyển hóa thành nhiệt năng và làm sợi dây nung nóng lên (nếu ấm đun dùng sợi nung).

Sợi dây nung truyền nhiệt cho nước, nước truyền cho ấm và phải có một khoảng thời gian để nhiệt độ của ấm tăng lên cao hơn nhiệt độ môi trường mới có nhiệt hao phí tỏa ra môi trường. Nhiệt tỏa ra môi trường phụ thuộc chủ yếu vào diện tích tiếp xúc của ấm với môi trường và độ chênh lệch nhiệt độ giữa ấm đun và môi trường (khi có gió thì tốc độ tỏa nhiệt càng lớn).

Khi công suất tỏa nhiệt ra môi trường bằng công suất nhận điện năng của sợi nung thì nhiệt độ của nước không tăng nữa. Có thể hiểu như sau: Một sợi nung có công suất 1.000W nếu đun nước trong một ấm cỡ 2 lít thì nước sôi nhưng nếu sợi nung này cấp nhiệt cho bể cá thì có thể nước chỉ nóng tới 30 độ C là dừng không tăng nhiệt độ nữa.

Vậy đề câu 5 ra công suất hao phí theo quy luật P=at+b tức là t=0 đã có công suất hao phí bằng 85W và công suất hao phí tăng đều là sai.

Thứ hai, ý b đề bài viết: Nếu đun nước với công suất hao phí là 105W thì thời gian đun là bao lâu?

"Theo tôi đề ra như thế là sai ở nhiều khía cạnh. Nếu giả sử tồn tại quy luật đã cho thì cần phải hỏi: Nếu đun nước tới khi công suất hao phí là 105W thì thời gian đun là bao lâu?" - thầy giáo Mai Văn Túc băn khoăn.

Chia sẻ thêm về nội dung bài 5, một giáo viên ở Hà Tĩnh cho rằng, kiến thức khoa học phải chính xác, khoa học hoàn toàn tồn tại khách quan, vấn đề là con người có nhận thức ra được nó hay không. Vì vậy môn học nào cũng cần phải chính xác, không có chuyện Toán hiểu kiểu này, Vật lí kiểu khác. 

"Đã sai thì đội ngũ ra đề phải rút kinh nghiệm, cầu thị để lần sau được tốt hơn", giáo viên này nhắn gửi.