Đề thi tuyển sinh môn Toán vào lớp 10 Thành phố Hồ Chí Minh có "sạn"?

Ly Hương
15:19 - 08/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trên diễn đàn dành cho các giáo viên, thầy giáo Mai Văn Túc, giáo viên môn Vật lí Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều giáo viên cho rằng, nội dung bài 5 đề thi môn Toán tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh có sai sót về kiến thức Vật lí.

Đề thi tuyển sinh môn Toán vào lớp 10 Thành phố Hồ Chí Minh có "sạn"? - Ảnh 1.

Đề thi tuyển sinh môn Toán Thành phố Hồ Chí Minh có "sạn"?

Chia sẻ về nội dung bài Toán liên quan đến kiến thức Vật lí này, Trung Hiếu ở Leipzig (Đức) nói rằng, câu 5 đề thi Toán có một số sai sót về bản chất Vật lí như sau:

Thứ nhất, đề cho công suất P cùng với đơn vị đi kèm W thì các hệ số a, b trong công thức P = at + b phải có đơn vị tương ứng là W/s và W. Nếu đáp án hoặc lời giải của học sinh chỉ cho số mà thiếu đơn vị thì là không đúng.

Thứ hai, nếu hiểu là tìm thời gian t tính từ t = 0 để P(t) = 105 W thì dữ kiện "đun sôi nước" là gây hiểu lầm và không liên quan tới bài toán.

Thứ ba, nếu vẫn giữ cách hiểu là tìm thời gian để đun sôi nước với công suất 105 W thì nảy sinh nhiều rắc rối. Giả sử đun m(kg) nước từ T1 (oC) lên T2 (oC), nhiệt dung riêng c (J/kgC), thì nhiệt lượng cần là Q = m.c.(T2-T1).

Đề viết đun sôi nước với công suất cố định là gây hiểu lầm vì thiếu các dữ kiện nhiệt độ bắt đầu, khối lượng nước, nhiệt dung riêng nước. Hơn nữa, giải theo hướng này thì không liên quan gì tới hàm P(t) đã cho mà chỉ áp dụng tính công W = P.t = 105.t và giải phương trình Q = W, tìm ẩn t.

Thứ tư, bởi vì công suất P(t) thay đổi theo thời gian t nên công cần thực hiện là W = tích phân [ P(t') dt'] từ t' = 0 đến t' = t (thời gian cần tìm) và giải Q = W tìm ẩn t. Hiểu theo cách này thì kiến thức tích phân nằm ngoài chương trình và dữ kiện 105 W trở nên mơ hồ.

Thầy giáo Đ.H ở Nghệ An nhận định, giáo viên Toán ra đề chỉ vận dụng công thức hàm bậc nhất sao cho đúng về mặt Toán học mà không hiểu bản chất Vật lí nên đề bài vô lí nếu được hiểu theo Vật lí.

Còn giáo viên P.P.T ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, bài toán (số 5) "thực tế" nhưng không "thực tế" bởi vì:

Bài toán thực tế vận dụng kiến thức hàm bậc nhất y = ax + b, nhìn cái đồ thị minh họa thấy lạ. Theo đề bài thì trục hoành biểu thị thời gian đun nước, còn trục tung thì biểu thị cho giá trị công suất hao phí theo thời gian đun nước.

Nhìn về góc độ toán học thấy có gì đó lạ, xét tại thời điểm t = 0 thì công suất hao phí đã là 85(W)? Chưa đun gì hết, mà đã có công suất hao phí là sao? Chưa bật công tắc lên đun nước mà phải trả tiền điện hao phí rồi là sao?

Tuy vậy, cũng có giáo viên cho rằng, bài toán số 5 đúng về mặt Toán học, không vượt quá kiến thức cấp 2, học sinh lớp 9 có thể hiểu và làm bài tốt.

Thầy giáo Mai Văn Túc (Hà Nội) nêu ý kiến: Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh điều chỉnh đáp án câu 5 cho công bằng với các thí sinh. Bởi đối với đề này, nhiều thí sinh giỏi Vật lí sẽ không làm được câu 5.

Bình luận của bạn

Bình luận