Kiến thức trong bài "Hiệu suất" Vật lí 10 – Kết nối tri thức với cuộc sống mông lung
Giáo viên phản ánh kiến thức về "hiệu suất" trong sách giáo khoa Vật lí 10 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống rất mông lung.
Một giáo viên ở Hà Nội phản ánh, khi dạy phần "hiệu suất" (Vật lí 10 – Kết nối tri thức với cuộc sống, Vũ Văn Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), cô đọc các câu hỏi trong sách giáo khoa và hướng dẫn giải của sách giáo viên thì thấy rất mông lung nên không tự tin dạy cho học trò.
Kiến thức sách giáo khoa mông lung
Liên quan đến kiến thức "hiệu suất", một giáo viên dạy Vật lí ở tỉnh Hòa Bình đưa ra quan điểm như sau:
Về "năng lượng có ích và năng lượng hao phí" thì nên cho học sinh tiếp cận theo hướng thực tế: phần "năng lượng" nào phục vụ đúng mục đích, mong muốn của con người trong hoàn cảnh cụ thể, trong phạm vi nghiên cứu cụ thể thì đó là phần "năng lượng có ích"; ngược lại là phần "năng lượng hao phí.
Còn viết như HĐ (hoạt động) trong sách giáo khoa là chưa làm rõ được vấn đề. Thêm nữa lại dùng cách diễn đạt "... cũng có thể coi đây là năng lượng có ích" nếu trong thời tiết lạnh, nhiệt năng tỏa ra làm ấm cơ thể.
Không thể mập mờ, trong mỗi trường hợp "năng lượng có ích" là có ích, "năng lượng hao phí" là hao phí. Trời lạnh, muốn cơ thể ấm lên có thể dùng cách vận động cường độ cao, khi đó nhiệt năng được sinh ra làm ấm cơ thể thì nhiệt năng đó là "năng lượng có ích".
Trong CH1 (câu hỏi 1) có dùng dấu ->, không biết ý tác giả là thể hiện sự chuyển hóa năng lượng trực tiếp hay 'theo thứ tự chuyển hóa năng lượng, hay chỉ nhằm liệt kê?
Để thể hiện chuyển hóa trực tiếp cũng sai mà theo thứ tự chuyển hóa cũng sai. Mà nếu để liệt kê thì không ai diễn đạt như thế.
Giáo viên vật lí nói thêm: "Sách nói đến âm thanh, ánh sáng là năng lượng, theo tôi là chưa chính xác. Âm thanh, ánh sáng là danh từ. Nếu nói năng lượng của âm (cơ năng); năng lượng của ánh sáng (quang năng; photon) thì đúng".
Phần chỉ ra 'năng lượng có ích/hao phí' cũng chưa tường minh. Một ví dụ nhỏ, nói 'nhiệt năng là năng lượng hao phí' là chưa tường minh. Nhiệt trong buồng đốt của động cơ có phải 'năng lượng hao phí' không?.
Trời lạnh, bật chế độ điều hòa nóng, hơi nóng từ bình tản nhiệt của máy được trích xuất đưa vào trong xe làm ấm cơ thể thì phần nhiệt đấy có phải hao phí không?. Thế nên, cần cụ thể phạm vi nghiên cứu thì mới chính xác đó là năng lượng có ích hay năng lượng hao phí.
Câu CH2 (câu hỏi 2) có nói bếp từ đang hoạt động truyền nhiệt năng cho nồi là sai. Nhiệt năng nồi nhận được là do chính nồi truyền cho nó. Phần nhiệt đó là do dòng điện fuco ở đáy nồi sinh ra.
Thêm nữa là nhiệt năng nồi nhận được bị chia làm hai việc: làm chín thức ăn và tản ra môi trường chứ không thể nói như CH2 (câu hỏi 2) là có phần nồi nhận được và phần tản ra môi trường".
Sách giáo khoa phải được viết bằng ngôn ngữ khoa học
Thầy giáo Lê Văn Q., giáo viên Vật lí một trường trung học phổ thông ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm:
"Các giáo viên thắc mắc là đúng, rất khó để giải thích các câu hỏi trong sách giáo khoa, nếu giải thích được thì phải cần nghiên cứu chuyên sâu. Ví dụ như chơi thể thao, phải nói được năng lượng sinh ra lấy từ đâu (rất khó).
Trong quá trình chơi thể thao thì có những bộ phận chuyển động nên có động năng, có những bộ phận thay đổi khoảng cách đến tâm Trái Đất nên có thế năng trọng trường.
Cơ thể nóng lên nên có nhiệt năng, có thể làm các phản ứng sinh hóa trong cơ thể hoạt động mạnh hơn tạo ra năng lượng hóa học, sinh học… rất khó giải thích.
Tiếp theo, quá trình nạp điện cho ắc quy có thể được hiểu là chuyển điện năng thành năng lượng tích lũy dưới dạng hóa học. Động năng di chuyển của các ion trong chất điện phân tỏa ra nhiệt làm nóng bình.
Quá trình sạc có thể phát ra tia lửa điện (quang năng), có thể phát ra âm thanh (năng lượng của sóng âm, chưa kể đến khi vật nóng lên thì bức xạ photon hồng ngoại vào môi trường (coi đây là quang năng)
Theo tôi để học được bài này thì trước tiên phải nêu tất cả các khái niệm về các loại năng lượng. Cùng một dạng năng lượng nhưng nó có ích trong trường hợp này, lại không có ích trong trường hợp khác.
Ví dụ như nhiệt năng dùng trong bình siêu tốc là có ích, nhưng trong truyền tải điện năng thì nhiệt tỏa ra trên dây dẫn là không có ích. Nên tùy từng trường hợp cụ thể thì phải cho biết phần năng lượng tạo ra cái gì là có ích, phần tạo ra cái gì là hao phí thì mới tính hiệu suất được.
Viết sách kiểu này thì giáo viên rất khó dạy, nhưng cũng có cái hay là học sinh được thảo luận và tìm ra được cái mới mà ngay cả thầy giáo và người viết sách cũng không biết.
Tuy vậy, chưa nên áp dụng cách viết này mà nên xây dựng nền lí thuyết trên những gì các nhà khoa học đã công nhận. Lấy cái trước để giải thích cái sau, ngôn ngữ khoa học phải chính xác và xây dựng hệ thống ngôn ngữ khoa học chính xác.
Ví dụ như phải nêu khái niệm 'năng lượng' là gì, 'động năng' là gì, 'thế năng' là gì, 'năng lượng hóa học' là gì, 'năng lượng ánh sáng' là gì… Mọi khái niệm phải thật chính xác thì người dạy và người học mới có cơ sở để giải thích chính xác. Mọi hiện tượng chỉ mang tính tương đối nên phải quy định cụ thể cho từng trường hợp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google