Đề tập huấn trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn 10 theo ma trận
Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng (Nghệ An) hướng dẫn ma trận, bản đặc tả đề tham khảo kiểm tra cuối học kì 1 môn Ngữ văn 10.
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Lắng nghe là một biểu hiện của tình yêu thương
1. Trong cuộc sống chắc hẳn có những lúc bạn gặp khó khăn và muốn được chia sẻ cùng ai đó? Những lúc như thế bạn thường tìm đến ai? Những người có năng lực và giỏi phán đoán hơn bạn hay những người biết lắng nghe câu chuyện của bạn? Tôi thường chọn tìm đến những người bạn ở vế thứ hai hơn. Dĩ nhiên khi trò chuyện với người có năng lực và giỏi phán đoán, họ sẽ giúp tôi chỉ ra vấn đề của mình một cách khách quan nhất. Nhưng khi thực sự gặp chuyện khó khăn, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu 2% gì đó khi chỉ ngồi nghe những lời khuyên lý tính. Có thể vì khi gặp khó khăn, thay vì nghe những lời khuyên đúng đắn, tôi chỉ muốn có ai đó lắng nghe và hiểu cho tâm trạng của mình mà thôi.
2... Chỉ cần có ai đó, như một tấm gương soi tỏ, thấu hiểu những gì đang khiến ta mệt mỏi là đủ để đem tới cho ta nguồn an ủi to lớn rồi. Không những thế, những đau khổ ta đang chịu đựng cũng bỗng trở nên ý nghĩa hơn. Nếu người đang lắng nghe ta nói rằng họ đã từng gặp chuyện mà ta tưởng chỉ riêng mình gặp phải, ta sẽ cảm thấy rằng đó là chuyện có thể xảy đến với bất kỳ ai và nhờ thế dễ dàng tiếp nhận hoàn cảnh hiện tại hơn. Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành.
3. Là một nhà sư đồng thời là một học giả, đã không ít lần tôi giảng Pháp môn và những chủ đề khác trước nhiều người. Nhiều lúc tôi gặp những thính giả vui vẻ cười đáp lại chuyện đùa nhạt nhẽo của mình hoặc có những phản ứng khiến tôi hứng thú trong suốt buổi giảng, ngược lại cũng đôi khi tôi gặp những thính giả cứng nhắc, khiến bầu không khí chùng xuống. Dù nói cùng một nội dung, nếu không có phản ứng từ người nghe, người nói sẽ cảm thấy mất sức hơn bình thường gấp hai ba lần. Nhờ có những người chăm chú lắng nghe ta nói như nghe tiếng nước bình đạm chảy mà câu chuyện của ta sẽ trở nên thông suốt và bầu không khí cũng vui vẻ hơn. Ngược lại nếu đối phương chỉ như một bức tường im lìm không phản ứng gì, lời ta nói sẽ trở nên vô nghĩa, và chính bản thân ta cũng bắt đầu thu mình lại. Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.
4. Đã từng có lúc tôi thắc mắc không hiểu tại sao người ta sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Kakao Story… bất kể ngày đêm như thế. Tôi đã không thể hiểu được lý do tại sao dù không ai bắt ép nhưng mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, những việc mình làm trong ngày với cả thế gian. Có lẽ vì chúng ta vẫn hằng mong sẽ có ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình. Phải như vậy ta mới cảm thấy hành động của mình có ý nghĩa và sự tồn tại của mình có giá trị. Cảm giác mệt mỏi vì phải sống từng ngày từng ngày không chút ý nghĩa, như phải đứng trên một sân khấu không khán giả không ai quan tâm, cũng sẽ được xóa nhòa.
5. Hãy nhìn xung quanh xem có người thân hay bạn bè nào của bạn đang gặp khó khăn hay không. Cho dù bạn không biết cách giải quyết những vấn đề của họ đi chăng nữa, họ cũng sẽ rất biết ơn nếu bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của họ đấy.
(Trích: Yêu những điều không hoàn hảo, Hae Min, trang 110-113, Nhà xuất bản Thế Giới, 2022)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Luận đề của văn bản được thể hiện rõ nhất ở:
A. Đoạn văn số 1.
B. Đoạn văn số 5.
C. Nhan đề của văn bản.
D. Câu mở đầu của các đoạn văn.
Câu 2. Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 2.
A. Chỉ cần có ai đó, như một tấm gương soi tỏ, thấu hiểu những gì đang khiến ta mệt mỏi là đủ để đem tới cho ta nguồn an ủi to lớn rồi.
B. Những đau khổ ta đang chịu đựng cũng bỗng trở nên ý nghĩa hơn.
C. Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành.
D. Tôi chỉ muốn có ai đó lắng nghe và hiểu cho tâm trạng của mình mà thôi.
Câu 3. Xác định câu nêu luận điểm trong đoạn văn số 3.
A. Là một nhà sư đồng thời là một học giả, đã không ít lần tôi giảng Pháp môn và những chủ đề khác trước nhiều người.
B. Dù nói cùng một nội dung, nếu không có phản ứng từ người nghe, người nói sẽ cảm thấy mất sức hơn bình thường gấp hai ba lần.
C. Nếu đối phương chỉ như một bức tường im lìm không phản ứng gì, lời ta nói sẽ trở nên vô nghĩa.
D. Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.
Câu 4. Mục đích viết văn bản của tác giả là gì?
A. Thuyết phục người đọc về tác dụng của việc lắng nghe.
B. Thuyết phục người đọc về vai trò của việc rèn luyện kĩ năng nghe.
C. Thuyết phục người đọc rằng lắng nghe chính là đồng cảm, là cách bộc lộ sự quan tâm, là tình yêu thương cụ thể nhất.
D. Thuyết phục người đọc hãy nhìn xung quanh xem có người thân nào gặp khó khăn không để lắng nghe chia sẻ của họ.
Câu 5. Trong đoạn số 3, khi miêu tả thái độ của mọi người khi lắng nghe, biện pháp tu từ nào đã được tác giả sử dụng 2 lần?
A. So sánh.
B. Nhân hoá.
C. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
D. Điệp cấu trúc câu.
Câu 6. Đoạn 4 có vai trò như thế nào trong văn bản?
A. Giải thích sự phát triển của mạng xã hội.
B. Giải thích lí do dùng mạng xã hội.
C. Giải thích việc chúng ta dùng mạng xã hội vì mong ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình.
D. Giải thích lí do vì sao một nhà tu hành như tác giả vẫn tích cực sử dụng mạng xã hội để tương tác với mọi người.
Trả lời các câu hỏi:
Câu 7. Việc tác giả kể câu chuyện đi giảng Pháp môn trong đoạn số 3 có tác dụng gì?
Câu 8. Bạn có đồng tình với ý kiến: "Chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất." của tác giả không? Vì sao?
Câu 9. Bạn hãy chia sẻ ngắn gọn về một thông điệp sâu sắc mà bạn rút ra cho bản thân sau khi đọc văn bản Lắng nghe là một biểu hiện của tình yêu thương.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thiếu sự chân thành lắng nghe trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. C (Nhan đề của văn bản).
Câu 2. C (Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành).
Câu 3. D (Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất).
Câu 4. C (Thuyết phục người đọc rằng lắng nghe chính là đồng cảm, là cách bộc lộ sự quan tâm, là tình yêu thương cụ thể nhất).
Câu 5. A (So sánh)
Câu 6. C (Giải thích việc chúng ta dùng mạng xã hội vì mong ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình).
Câu 7. Việc tác giả kể câu chuyện đi giảng Pháp môn có tác dụng: Là bằng chứng minh hoạ cho tác động tích cực của việc được người khác lắng nghe khi chúng ta nói. Giúp tăng tính biểu cảm, chất cảm xúc cho 1 văn bản nghị luận thông qua những trải nghiệm chân thực, gần gũi, đời thường của người viết.
Câu 8. Khẳng định quan điểm, ý kiến cá nhân: đồng ý/không đồng ý/đồng ý một phần. Giải thích lí do: Cắt nghĩa các từ khoá để lí giải ý của tác giả; đưa ra lí giải của mình dựa trên ý của tác giả (lí do để đồng tình/lí do phản đối); có thể lấy 1 ví dụ để chứng minh trong 1 - 2 dòng.
Câu 9. Nêu bài học/thông điệp/ý nghĩa của bản thân rút ra từ bài viết . Ví dụ học sinh có thể nêu một trong số các ý sau: trân trọng những người lắng nghe mình; học cách lắng nghe người khác với thái độ kiên nhẫn, không phán xét; xây dựng cho bản thân những mối kết nối tích cực, có sự lắng nghe và thấu hiểu, chấp nhận lẫn nhau…). Lí giải/giải thích vì sao bản thân mình rút ra bài học/thông điệp/ý nghĩa.
II. VIẾT
A. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề (xác định thói quen người viết muốn thuyết phục người khác từ bỏ: thiếu lắng nghe trong giao tiếp). Thân bài triển khai được vấn đề (xây dựng được hệ thống lập luận gồm: luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người khác từ bỏ thói quen thiếu lắng nghe). Kết bài khái quát được vấn đề (đưa ra được thông điệp, lời kêu gọi về việc từ bỏ thói quen thiếu lắng nghe trong giao tiếp)
B. Xác định đúng yêu cầu của đề: Nêu được biểu hiện của thói quen thiếu lắng nghe; giải thích tại sao nó là thói quen cần từ bỏ, phân tích những tác động tiêu cực của thói quen đó và đưa ra những giải pháp khả thi để thuyết phục người khác từ bỏ thói quen.
C. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:
Mở bài:
Xác định thói quen cần từ bỏ: thiếu sự chân thành lắng nghe trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
Thân bài:
Luận điểm 1: Gọi tên và nêu những biểu hiện chính của thói quen cần từ bỏ. Gọi tên: thói quen thiếu sự chân thành lắng nghe trong giao tiếp và đưa đến những kết nối không chất lượng.
Biểu hiện: không tập trung, không chú ý, không chú tâm vào người nói. Thái độ nghe: thiếu sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu; vội vã đưa kết luận, dán nhãn người nói, thiếu góc nhìn đa chiều.
Luận điểm 2: Trình bày, lí giải vì sao chúng ta có thói quen này hoặc bày tỏ sự cảm thông/đồng cảm.
Câu nêu luận điểm: Thiếu sự chân thành lắng nghe là một thói quen phổ biến, rất dễ mắc phải trong giao tiếp. Cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực như một guồng quay, con người khó có thể sống chậm.
Những khác biệt về môi trường sống, ngôn ngữ, góc nhìn, văn hoá… khiến chúng ta có đồng cảm khi lắng nghe. Mặt trái của việc quá lắng nghe (người thân, bạn bè) dẫn đến thói quen ỷ lại, kêu ca, phàn nàn.
Luận điểm 3: Phân tích những tác động tiêu cực của thói quen cần từ bỏ hoặc lợi ích khi từ bỏ thói quen. Câu nêu luận điểm: Thói quen thiếu sự chân thành lắng nghe tạo nên nhiều tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, gia đình, cá nhân.
Trong mọi mối quan hệ: thiếu lắng nghe dẫn đến thiếu tôn trọng. Phương diện xã hội, kết nối cộng đồng: thiếu lắng nghe tạo nên sự bảo thủ, trì trệ, kém phát triển, tụt hậu.
Phương diện gia đình: kết nối gia đình lỏng lẻo, thiếu niềm tin, thiếu yêu thương… Phương diện cá nhân: thiếu lắng nghe dẫn đến quyết định sai lầm, chúng ta thiếu khả năng đồng cảm, không lắng nghe bản thân dẫn đến không hiểu mình.
Luận điểm 4: Giải pháp, con đường để từ bỏ thói quen. Câu nêu luận điểm: Để từ bỏ thói quen thiếu chân thành lắng nghe chúng ta cần những giải pháp mang tính toàn diện.
Về xã hội: giáo dục trong cộng đồng, công sở, nhà trường: kĩ năng lắng nghe, kĩ năng đồng cảm, kĩ năng hợp tác, tư duy phản biện.
Về gia đình: gia tăng các hoạt động (thể thao, du lịch, trò chuyện…) để các thành viên gắn kết, lắng nghe nhau.
Về cá nhân: thực hành và nâng cao kĩ năng lắng nghe cho bản thân, quan tâm đến suy nghĩ – cảm xúc – hành động của mình trước mọi vấn đề của đời sống.
Kết bài: Đưa ra thông điệp của người viết.
D. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Tránh sử dụng văn nói (dùng nhiều các từ thì, mà, là…). Tránh lặp từ trong đoạn văn.
E. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ (dùng câu văn so sánh, ẩn dụ; viết câu ngắn dài đan xen; viết câu văn giàu hình ảnh).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google