Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 bàn về "văn chương là lộc mà trời bù cho người"

Ly Hương
06:05 - 25/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thầy giáo Lường Tú Tuấn (nguyên tổ trưởng tổ Ngữ văn một trường chuyên) cho rằng, câu nghị luận văn học đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 (chuyên) tỉnh Quảng Nam là đề dở khi yêu cầu bàn về quan điểm "văn chương là lộc mà trời bù cho người".

Đề Ngữ văn 11 bàn về "văn chương là lộc mà trời bù cho người"

Đề thi Ngữ văn (chuyên) này có nội dung câu nghị luận văn học như sau: "Văn chương là lộc mà trời bù cho người (…). Căn nhà chứa lộc này mở cửa tự do đối với tất cả những ai đến đọc nhưng lại chỉ phát vẻ riêng cho một số ít người trong số những người đến viết. Vậy nên, có rất nhiều trường hợp người viết một đời ruổi bắt chữ nhưng rốt cục tay trắng, tựa hồ "sung (tên một loại cây có trái) một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao". (Hoàng Đăng khoa, Người chết ngang và đoá buồn văn chương nở dọc".

Bằng trải nghiệm đọc hiểu văn chương, anh/chị hãy viết bài văn bình luận, làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bàn về đề thi này, thầy giáo Lường Tú Tuấn (nguyên tổ trưởng tổ Ngữ văn một trường chuyên một tỉnh ở phía Nam) nêu quan điểm như sau.

1. Tôi không bàn về quan điểm của tác giả Hoàng Đăng Khoa trong mấy câu nhận định được đề Quảng Nam trích ra ở trên, tôi chỉ bàn về cách ra đề ở đề thi Ngữ văn 11 (chuyên) nêu trên.

Trước hết, "bình luận" và "làm sáng tỏ" là 2 yêu cầu khác nhau thuộc về 2 "thao tác lập luận" khác nhau trong phương thức viết nghị luận. Bình luận là nêu lên những đánh giá chủ quan của bản thân đối với một đối tượng nào đó, xem nó hay dở, đúng sai, đẹp xấu... như thế nào.

Còn "làm sáng tỏ" là chứng minh, không cần (và thậm chí không được phép) nêu quan điểm đánh giá của mình, mà chỉ việc dùng ví dụ minh họa và lập luận để chứng minh rằng cái ý kiến của ai đó là đúng đắn/ chính xác.

Vậy, khi đề yêu cầu hãy "bình luận, làm sáng tỏ" thì thí sinh phải giải quyết thế nào đây? Ở đây là 2 yêu cầu (chứng minh và bình luận) hay là 1 yêu cầu? Nếu là 2 thì mâu thuẫn, nếu là 1 thì thí sinh không biết lối nào mà lần!

Người ta chỉ có thể yêu cầu chứng minh và bình luận (dù yêu cầu này cũng đầy mâu thuẫn, nhưng ít ra trên mặt hình thức còn có thể hiểu được), chứ chưa từng thấy "bình luận làm sáng tỏ" bao giờ. 

Vì vậy có thể nói cách "ra lệnh" này trong đề Quảng Nam là đánh đố một cách phi lý, đẩy thí sinh vào lúng túng. Ra đề oái oăm như thế thì làm sao có thể đánh giá được năng lực của người viết?

2. Như đã thấy, đề dẫn dắt thì có vẻ dài dòng như thế, nhưng trọng tâm của mấy cây trích dẫn trong đề là nhấn mạnh đến sự thất bại của "rất nhiều" người viết văn. Và đề yêu cầu "hãy bình luận làm sáng tỏ" cái ý được nhấn mạnh ấy. Vậy, theo logic, thí sinh phải đi tìm những người thất bại bằng các tác phẩm thất bại của họ để "bình luận làm sáng tỏ".

Như chúng ta biết, thứ nhất, văn học nhà trường chỉ dạy cho học sinh những tác phẩm hay, tác phẩm giá trị, chứ nào có đưa tác phẩm dở của người viết dở vào dạy đâu, nay bắt học sinh đi "bình luận làm sáng tỏ" cái dở cái thất bại của những tác giả "suốt đời không chạm nổi đáy ao", thì các học sinh biết tìm đâu?

Thứ hai, cái vô lí nhất nằm ở chỗ, người đã viết dở, đã "suốt đời" thất bại, thì ai mà biết đến họ; và loại tác giả tác phẩm ấy thì có gì để mà cảm thụ? Bắt học sinh đi viết văn về họ thì không những vô lý mà còn phản văn chương.

Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam rằng "cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải riêng thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hai với bài hay vậy". Nay yêu cầu học sinh đi viết về văn dở của người dở (trong khi chỉ dạy về bài văn hay) thì đó là một yêu cầu khó hiểu và trái hẳn với nội dung dạy học.

Trong trường hợp bất đắc dĩ, thì có thể cho học sinh đánh giá về một tác phẩm dở của một tác giả dở, nhưng yêu cầu phải sáng sủa, tường minh; và quan trọng nhất là phải đặt trên cơ sở và nhằm mục đích khẳng định cái gì là hay là đẹp, chứ chỉ lấy cái dở làm đối tượng quy hướng như đề thi này, thì gây khó cho học sinh. 

Một đề thi mà mắc đến 2 sai lầm căn bản nhất: yêu cầu rối rắm (phi khoa học), và nội dung lệch lạc (yêu cầu bàn luận về tác giả dở "suốt đời" thất bại) thì không thể đánh giá được năng lực của thí sinh. 

Tôi cho rằng đây là một cái đề thì không đạt yêu cầu - thầy giáo Lường Tú Tuấn khẳng định.