Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng biệt về đời sống

Ly Hương
09:28 - 03/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận văn học yêu cầu làm sáng tỏ ý kiến của tác giả Nguyễn Đăng Điệp: "Với tư cách là một người nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng biệt về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lời thuyết lý khô khan mà phải hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng".

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc vừa tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 chương trình trung học phổ thông, trung học phổ thông chuyên năm học 2023-2024, trong đó có môn Ngữ văn.
Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng biệt về đời sống- Ảnh 1.

Câu nghị luận văn học (chương trình trung học phổ thông) nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và học sinh với quan điểm của tác giả Nguyễn Đăng Điệp: "Với tư cách là một người nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng biệt về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lời thuyết lý khô khan mà phải hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng".

Gợi ý làm bài nghị luận văn học

Giải thích: "Quan niệm riêng về đời sống" là những nhận thức, khám phá, cảm thụ, phát hiện các vấn đề của đời sống xã hội theo một cách riêng. Đó cũng chính là cái nhìn nghệ thuật độc đáo, có tính thẩm mỹ về đời sống của người nghệ sĩ.

"Quan điểm ấy hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng" là cách nhìn riêng về đời sống, được nhà thơ ký thác qua hệ thống ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật; qua những hình tượng, biểu tượng nghệ thuật, tạo nên giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, thể hiện chiều sâu phong phú của tâm hồn nghệ sĩ.

Ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Phong Điệp đã nhấn mạnh cách nhìn riêng, cách khám phá, phát hiện của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Trong hành trình ấy, quan niệm riêng về đời sống đã hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng.

Bàn luận: Quan niệm riêng về đời sống là yêu cầu quan trọng nhất với nhà thơ nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung.

Quan niệm riêng về đời sống là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người, thể hiện góc nhìn riêng, thể hiện cách cảm, sự phân tích lý giải của tác giả về những đối tượng nghệ thuật.

Quan niệm ấy thể hiện chiều sâu tư tưởng, sự nhạy cảm, khả năng nắm bắt những vấn đề của đời sống và tình cảm của người nghệ sĩ với con người, với cuộc đời.

Có cách khám phá, phát hiện riêng về cuộc sống, nhà thơ đã đạt đến chiều sâu nhất định trong nhận thức, từ đó tạo nên chiều sâu triết lý cho tác phẩm. Khi đó, tác phẩm vừa là sản phẩm của tầm văn hóa, tư tưởng, vừa mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nhà thơ.

Quan niệm, cách nhìn mới mẻ về đời sống là yếu tố cốt tử tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn - Tấm huy chương vàng mà mỗi nghệ sĩ đều khát khao vươn tới trong cuộc đời cầm bút.

Quan niệm riêng của nhà thơ hoá thân vào chữ nghĩa và hình tượng: Mỗi nhà thơ, nhà văn lớn đều đồng thời là những nhà tư tưởng lớn, nhưng đó không phải là những tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy, hay được phát ngôn một cách ồn ào trong tác phẩm, mà đã được ký thác vào chữ nghĩa và hình tượng.

Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào chữ nghĩa: Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Văn học là nghệ thuật ngôn từ.

Trong quá trình sáng tác, lao động thơ trước hết là lao động chữ bởi chính những con chữ, qua tài năng của nhà thơ sẽ cho người đọc hiểu chiều sâu và vang ngân của tình ý, giọng điệu cũng như tư tưởng nghệ thuật của tác giả.

Chữ nghĩa trong thơ không thể là những thuyết lý khô khan không cảm xúc mà tập trung thể hiện tình cảm, rung cảm của người nghệ sĩ trước cuộc đời.

Chữ nghĩa trong thơ chính là ngôn ngữ tư duy được tổ chức ở trình độ cao với sự chặt chẽ tinh tế đến độ hàm súc (qua hệ thống từ ngữ, các biện pháp tu từ, nhịp thơ, thanh điệu).

Quan niệm riêng của nhà thơ hóa thân vào hình tượng: Hình tượng là phương tiện để nhà thơ phản ánh hiện thực, thể hiện sự hiểu biết, tình cảm của tác giả đối với đời sống và mang tính khám phá.

Hình tượng thơ là nơi chứa đựng những quan niệm riêng về đời sống của nhà thơ. Đó có thể là cảnh, là con người, một sự vật, mang giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ.

Tóm lại, quan niệm riêng của nhà thơ về đời sống đã được hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng. Hai yếu tố này gắn bó mật thiết trong quá trình sáng tạo, góp phần hình thành phong cách nhà thơ.

Chứng minh: Thí sinh biết lựa chọn những tác phẩm thơ, những đoạn trích tiêu biểu để làm rõ yêu cầu của đề bài.

Mở rộng nâng cao vấn đề: Đây là ý kiến đúng đắn, có chiều sâu của sự khái quát, đặt ra yêu cầu sống còn đối với người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo.

Yêu cầu đối với tác giả và độc giả: Muốn có được quan niệm riêng về đời sống, nhà thơ phải có vốn văn hóa, có quá trình trải nghiệm, sự phong phú kinh tế trong tâm hồn, tình cảm,…

Độc giả phải có sự sâu sắc, tinh tế trong cảm nhận để phát hiện ra diện mạo riêng của mỗi nghệ sĩ trong tác phẩm.