Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng nghề nghiệp

Thiên Ân
18:21 - 30/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cử tri tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh để các em hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề.

Theo cử tri tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho các em học đại học vì học phí quá cao, các trường dạy nghề học phí thấp nhưng các em lại không lựa chọn theo học nghề.

Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh để các em hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề.

Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh 1.

Các học viên được hướng dẫn thực hành trực tiếp trên các thiết bị hiện đại tại lớp dạy nghề. Ảnh: Trung tâm dạy nghề tư thục Thanh Xuân.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học.

Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" (Đề án 522).

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2018/TTBGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12).

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 522 song hành với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; định hướng phân luồng học sinh ngay từ cuối giai đoạn giáo dục cơ bản (kết thúc trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).

Giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phương châm giáo dục phân hoá, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng; tiếp tục nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc Đề án 522; tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc hướng nghiệp, phân luồng.

Đồng thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.