Dạy Ngữ văn phương pháp mới khiến môn học khô khan, thiếu cảm xúc?
Nhiều giáo viên cho biết, áp dụng phương pháp mới vào dạy môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc phổ thông khiến bài giảng khô khan, thiếu cảm xúc còn học sinh thì giảm hứng thú trong việc học. Vậy, làm sao để cải thiện tình trạng này?
Trên diễn đàn của giáo viên bậc trung học phổ thông, nhiều thầy cô giáo cho biết, việc áp dụng một số phương pháp mới vào dạy học môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến bài giảng khô khan, thiếu cảm hứng so với Chương trình 2006.
Có phải môn Ngữ văn đang khô khan dần đi?
Chẳng hạn, các tác phẩm "Chí Phèo" (Nam Cao), "Vợ nhặt" (Kim Lân), "Sóng" (Xuân Quỳnh…) ở chương trình lớp 11 hiện nay chủ yếu yêu cầu học sinh nhận diện được thể loại, nội dung, nghệ thuật… của tác phẩm thông qua phiếu học tập, hệ thống câu hỏi nhỏ lẻ… khiến nội dung bài học khô khan, học sinh chán dần môn học vốn thú vị này.
Trong chương trình trước đây, phương pháp dạy các tác phẩm này thiên về phân tích, cảm nhận, giảng bình… giúp giáo viên và học sinh dễ thăng hoa trong tiết học, nhờ đó các em yêu thích văn chương nhiều hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên, giáo viên ở tỉnh Phú Thọ chia sẻ, cô đang dạy một trong ba bộ sách của Chương trình giáo dục phổ thông mới và thật sự thấy chưa hài lòng. Bởi vì, giáo viên dạy văn mà không biết mình phải dạy thế nào cho hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.
"Sách mới tôi thấy khó dạy quá! Nhiều tác phẩm thiếu mạch văn dẫn đến giáo viên cũng mất cảm xúc nói gì đến học sinh. Chẳng hạn, một số văn bản thơ trữ tình ở chương trình lớp 11 đọc lên nghe khô khan. Còn phần lí luận thì sao quá hàn lâm, nhiều câu hỏi hướng dẫn học sinh sau phần đọc cũng khó trả lời", cô giáo trải lòng.
Một số giáo viên vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm đã có những chia sẻ về việc dạy môn Ngữ văn bậc phổ thông sao cho hiệu quả.
Dạy môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông mới sao cho hiệu quả?
Để cải thiện phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông mới, một số thầy cô giáo đã có những chia sẻ ban đầu giúp học sinh tiếp cận tác phẩm được tốt hơn.
Một giáo viên ở tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Ở chương trình cũ, các thầy cô giáo phân tích văn bản theo bố cục, bình giảng cái hay của câu từ... Còn khi dạy theo cách mới, giáo viên cần tổ chức cho học sinh thảo luận trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa mà học sinh đã soạn.
Tôi sử dụng phương pháp này thấy đỡ vất vả. Tôi gọi 4 học sinh lên bảng viết đáp án 4 câu hỏi khó trong sách giáo khoa, còn 2, 3 câu còn lại thì các em thảo luận trả lời trực tiếp bên dưới lớp. Sau khi học sinh trên bảng làm xong thì cả lớp thảo luận bổ sung.
Sau đó, tôi cho tổng kết 3 vấn đề: 1) nghệ thuật; 2) nội dung; 3) cách đọc văn bản (thơ), rồi sau đó chuyển sang làm bài tập (có thể làm luôn ở sách bài tập). Và nếu còn thời gian thì học sinh trả lời câu hỏi vận dụng, còn không thì về nhà làm.
Học sinh đã soạn bài rồi nên trên lớp chỉ ghi bổ sung những gì thấy cần thiết, không bắt phải ghi chép. Quan trọng là thảo luận bổ sung cho câu trả lời của bạn và làm bài tập.
Theo tôi, Chương trình mới hướng tới việc học sinh thể hiện cảm thụ tác phẩm theo cách của các em chứ giáo viên không thể áp đặt một cách bình giảng nào cả.
Trong quá trình học sinh trả lời, giáo viên vẫn trao đổi hỏi đáp để biết được năng lực cảm thụ của các em, nhưng không phải theo trình tự mà có thể hỏi những từ ngữ, hình ảnh hay".
Còn thầy giáo Dương Khánh Toàn (Vĩnh Phúc) nêu kinh nghiệm dạy văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông mới như sau:
"Có đồng nghiệp hỏi mấu chốt của dạy học chương trình, sách giáo khoa mới là gì, sau một năm dạy học, cá nhân tôi thấy điểm khác biệt căn bản là: dạy học theo thể loại. Trước đây, khi dạy theo chương trình cũ, vì học gì thi nấy nên giáo viên ra sức đào sâu vào văn bản sách giáo khoa.
Ví dụ: học tác phẩm "Tây Tiến" (Quang Dũng), học sinh không cần kiến thức về thể loại thơ mà cốt nắm vững kiến thức về nhà thơ Quang Dũng, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, hình tượng nghệ thuật trong bài thơ, phân tích thật hay, thật rộng các khổ thơ, liên hệ mở rộng các bài thơ kháng chiến chống Pháp, thơ về người lính… là tốt.
Dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học văn bản A nhưng kiểm tra, thi văn bản B tương đương, thì điều quan trọng là giáo viên cần cho học sinh nắm chắc kiến thức về thể loại thơ: chủ đề; cảm hứng chủ đạo; chủ thể/ nhân vật trữ tình; hình ảnh thơ; vần thơ, nhịp điệu thơ, âm điệu thơ; các biện pháp tu từ trong thơ…"
Thầy Dương Khánh Toàn lưu ý, giáo viên không phải dạy kiểu học thuộc mà cần luyện đi luyện lại qua các văn bản cụ thể. Khi dạy học văn bản, giáo viên không tập trung vào khai thác sâu các giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản như cách dạy cũ mà chủ yếu hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức thể loại để đọc hiểu văn bản. Từ đó học sinh có khả năng đọc hiểu các văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, các tiết dạy viết cũng theo trục thể loại. Ví dụ: Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ thì học sinh cần vận dụng kiến thức thể loại thơ để giới thiệu vài nét về tác giả, hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ của tác phẩm; chủ đề của bài thơ; nhân vật trữ tình là ai; cảm hứng chủ đạo là gì.
Sau đó phân tích các đoạn thơ theo trình tự: 1) hình ảnh, từ ngữ trong đoạn thơ; 2) biện pháp nghệ thuật (để làm rõ tâm trạng của nhân vật trữ tình, ý nghĩa nhân sinh sâu sắc); 3) đánh giá đặc sắc nghệ thuật của bài thơ; 4) so sánh với các bài thơ cùng đề tài để thấy được nét đẹp độc đáo của bài thơ; 5) giá trị của bài thơ trong cuộc sống hiện nay và cảm nhận của cá nhân học sinh.
"Như vậy, dạy môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quan trọng nhất là dạy theo thể loại", thầy giáo Dương Khánh Toàn nhấn mạnh.
Có thể nhận thấy, điểm khác biệt nhất trong môn Ngữ văn chương trình mới so với chương trình cũ là được xây dựng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.
Vì vậy, để học tốt môn Ngữ văn chương trình mới, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi phương pháp giảng dạy của thầy, cô giáo thì học sinh cần có sự trải nghiệm, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa những sở trường của bản thân để tiến bộ qua từng ngày.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google