Chất văn trong đề kiểm tra môn Ngữ văn chẳng còn vẹn nguyên

Nguyễn Khanh
06:24 - 21/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Môn Ngữ văn mất dần chất văn còn do quy định về việc ra đề kiểm tra, tỉ lệ điểm và yêu cầu khác đi về cảm thụ tác phẩm văn học. Học sinh ít phải làm văn như trước.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đăng tải nhiều bài viết về tình trạng dạy và học Ngữ văn hiện nay ở các nhà trường phổ thông. 

Rất nhiều bài viết trên tạp chí đã phân tích, gợi ý về những đề thi học sinh giỏi ở các địa phương, đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn ở các nhà trường.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy tất cả các đề Ngữ văn này đang được thực hiện ở chương trình giáo dục phổ thông 2006 vẫn đang hiện hành. 

Chính vì thế, "chất văn" trong các đề thi, đề kiểm tra môn Ngữ văn vẫn còn khá nhiều.

Song song với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đã đang giảng dạy ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10 thì chất văn đã mai một đi rất nhiều do định hướng, mục tiêu chương trình đã thay đổi. 

Điều quan trọng nữa là hiện nay nhiều địa phương đang áp dụng hình thức kiểm tra môn Ngữ văn qua cấu trúc đề kiểm tra mới, phần trắc nghiệm đã chiếm đến 4,0 điểm; phần trả lời ngắn 2,0 điểm; phần viết (làm văn) chỉ còn có 4,0 điểm mà thôi.

Đề Ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông mới có phần phức tạp, dài dòng

Thời gian qua, một số tờ báo đã đề cập đến việc đề kiểm tra môn Ngữ văn dài đến 3-4 trang khổ A4 khiến cho học sinh chỉ đọc đề cũng mất khá nhiều thời gian. Nhưng, thực tế, đề kiểm tra học sinh làm bài chỉ là một phần ít trong tổng thể một đề kiểm tra mà giáo viên phải thực hiện trước khi cho học sinh kiểm tra.

Theo hướng dẫn của trên, khi giáo viên ra 1 đề kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) thì việc đầu tiên phải liệt kê các đơn vị kiến thức đã học. Nghĩa là phải liệt kê tất cả các bài học trước đó. Vì thế, bài kiểm tra giữa kỳ còn ít, chứ bài kiểm tra cuối kỳ thì giáo viên phải liệt kê hết 1 trang khổ A4 nhiều khi cũng chưa kết tên các bài học vì môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở hiện nay có 140 tiết/năm; cấp Trung học phổ thông có 105 tiết/năm với rất nhiều bài học.

Sau khi liệt kê các đơn vị kiến thức, giáo viên phải thiết lập ma trận đề kiểm tra qua các mức độ: nhận biết; thông hiểu; vận dụng thấp; vận dụng cao, tính phần trăm của các mức độ cho tương ứng với các câu hỏi, đơn vị kiến thức trong đề kiểm tra.

Sau đó, giáo viên tiếp tục thực hiện Bảng đặc tả đề kiểm tra đối với các phần đọc hiểu; viết qua từng câu hỏi, đơn vị kiến thức. Bởi vì đối với các câu hỏi ở phần đọc hiểu, mỗi câu hỏi phải chỉ ra ở một chỉ báo của của mức độ kiến thức, kĩ năng cần kiểm tra, đánh giá tương ứng (một chỉ báo là một gạch đầu dòng). Những đơn vị kiến thức/kĩ năng của các bài học tiếng Việt, làm văn, văn học được tích hợp trong kiểm tra, đánh giá ở phần đọc hiểu và làm văn. Một bài văn được đánh giá 4 mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); tỉ lệ điểm cho từng mức độ được thể hiện trong đáp án và hướng dẫn chấm (phần này khoảng 2 trang khổ A4). 

Tiếp theo, giáo viên sẽ tiến hành xây dựng đề kiểm tra. Việc đầu tiên là phải tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, có thể là một bài thơ, một đoạn văn xuôi tương ứng với thể loại mà giáo viên đang dạy trên lớp. Việc tìm ngữ liệu hiện rất mất thời gian vì nó vừa phải phù hợp với thể loại đang dạy và phải có những câu, từ phù hợp để giáo viên đặt câu hỏi.

Sau khi tìm được ngữ liệu, giáo viên sẽ tiến hành ra 8 câu trắc nghiệm. Mỗi câu trắc nghiệm sẽ có một lệnh đề và 4 phương án để học sinh lựa chọn. Phần trả lời ngắn sẽ có 2 câu hỏi nhỏ, tập trung vào ngữ liệu ở phía trên. Như vậy, tổng phần đọc hiểu sẽ có 6,0 điểm (4,0 điểm trắc nghiệm và 2,0 điểm trả lời ngắn).

Phần viết (làm văn) sẽ có 1 câu hỏi yêu cầu học sinh thực hiện viết một bài văn, đoạn văn tương ứng với phương thức biểu đạt của đơn vị kiến thức đang học ở trên lớp. Chính vì đề bài có nhiều câu trắc nghiệm nên chỉ riêng đề bài, đa phần giáo viên phải thực hiện ít nhất là 2 trang khổ A4 trở lên.

Phần cuối cùng là hướng dẫn chấm (đáp án) cho phần đọc hiểu và phần viết và phần này thường dao động trên dưới 4 trang khổ A4.

Chính vì thế, mỗi đề kiểm tra định kỳ Ngữ văn hiện nay đối với môn Ngữ văn ở lớp 6, lớp 7, lớp 10 thì giáo viên phải thực hiện khoảng trên dưới 10 trang khổ A4. Nhiều hơn rất nhiều những đề kiểm tra mà học sinh thấy khi làm bài. Để làm được 1 đề kiểm tra định kỳ, nhiều giáo viên làm trầy trật 1 đến 2 ngày chưa xong vì phải tính toán kĩ lưỡng tỉ lệ, cách đặt câu hỏi, định hướng đáp án để tránh sai sót có thể xảy ra.

Chất văn trong đề Ngữ văn chương trình mới còn không?

Với cách kiểm tra môn Ngữ văn được kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận như một số địa phương đang triển khai đang tạo sự thích thú cho nhiều học trò. Vì nhiều em không cần học nhiều nhưng khi kiểm tra chỉ cần "liếc bạn" khoanh 8 vòng tròn, hoặc viết 8 chữ cái nếu giáo viên đã thiết kế sẵn ở phần bài làm là các em sẽ có 4,0 điểm. Cộng với 2 câu trả lời ngắn (2,0 điểm) và dễ thì các em đã đạt điểm trung bình. Vì thế, nhiều học sinh chỉ làm phần đọc hiểu đã đủ điểm trung bình mà không cần đoái hoài đến phần làm văn nữa.

Phần viết (làm văn) của chương trình hiện hành có thang điểm là 6,0 hoặc 7,0 điểm thì chương trình mới chỉ còn có 4,0 điểm. Chính vì bài văn chỉ còn 4,0 điểm mà trong đó chỉ có 1,0 điểm cho vận dụng cao nên giáo viên cũng ra nhẹ nhàng. Thậm chí, theo sách giáo khoa Ngữ văn 6 (Chân trời sáng tạo) thì kiểm tra giữa kỳ II, giáo viên chỉ yêu cầu học sinh viết… đoạn văn mà thôi. Bởi, kiến thức trên lớp chỉ dạy cho học sinh viết đoạn văn.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên hiện nay chấm bài thường đếm đáp án cho điểm, ngay cả đề của Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương ra cũng hướng dẫn giáo viên chấm theo từng ý. Hơn nữa, mỗi bài văn thì điểm sáng tạo thường rất ít, ngay cả đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thì phần này cũng chỉ có 0,5 điểm. Vì thế, nhiều bài văn của học sinh hiện nay đang được thực hiện đầy đủ ý nhưng rất hiếm cảm xúc vẫn có thể được điểm cao.

Bên cạnh việc kiểm tra như vậy, cộng thêm hướng dẫn việc thực hiện dạy học thông qua các hoạt động theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường khiến cho môn Ngữ văn mất dần chất văn - đó là một thực tế hiển nhiên.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông ra đời nhằm hạn chế văn mẫu, bài mẫu nhưng với cách kiểm tra và giảng dạy như hiện nay thì chất văn cũng mất dần.

Điểm Ngữ văn của học sinh khi kiểm tra trên lớp sẽ không thấp, thậm chí sẽ cao. Nhưng những băn khoăn, trăn trở của nhiều giáo viên dạy Ngữ văn thì lại nhiề hơn. Bởi lẽ, đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay (chưa có đề thi, vì đề thi là thi học sinh giỏi, thi cuối cấp) đã có tới 6/10 điểm đọc hiểu, xem nhẹ làm văn thì chất văn của môn học liệu có còn vẹn nguyên?