Môn Ngữ văn chương trình mới có đang mất dần chất văn?

Thành Phúc
17:42 - 18/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bài viết "Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - được và mất" được đăng tải trên Tạp chí Công dân và Khuyến học tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Xin giới thiệu bài viết của nhà giáo dạy Ngữ văn lâu năm bàn về chất văn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện được gần 3 năm ở cấp Tiểu học, gần 2 năm ở cấp Trung học và gần 1 năm ở cấp Trung học phổ thông. Đặc biệt, đầu năm học này, Bộ đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường nên việc dạy và học Ngữ văn ở cấp Trung học phổ thông và Trung học cơ sở đang có nhiều thay đổi so với trước đây. 

Mục tiêu, phương pháp dạy và học Ngữ văn đã hoàn toàn thay đổi. Các giờ học Ngữ văn giờ đây không còn thấy giáo viên say sưa giảng bài, bình giảng những ý thơ, đoạn văn nhiều như trước đây. 

Môn Ngữ văn chương trình mới có đang mất dần chất văn? - Ảnh 3.

Nhiều giáo viên Ngữ văn trăn trở tìm lại chất văn trong giảng văn kế nối cảm xúc khi học cho thầy và trò. Minh hoạ: IT/image

Mục tiêu chương trình 2018 đối với môn Ngữ văn đã khác biệt cơ bản

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn được chia làm 2 giai đoạn. 

Giai đoạn giáo dục cơ bản: chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học. 

Mục tiêu của giai đoạn này là giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học, hoạt động giáo dục khác. Giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ. Đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Chương trình củng cố và phát triển các kết quả của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học. Tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về nội dung và kĩ thuật viết. Trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học. Tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách để học sinh trở thành người công dân có trách nhiệm.

Ngoài ra, trong mỗi năm, những học sinh có định hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Như vậy, chương trình lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp học, lớp học. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về tiếng Việt và văn học được hình thành qua hoạt động dạy học tiếp nhận và tạo lập văn bản; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

Song song với việc ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có 3 bộ sách, đó là: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống đều được thiết kế theo chủ đề. Mỗi học kỳ có 5 chủ đề và cấp Trung học phổ thông còn có thêm một số chuyên đề học tập.

Nhìn chung, các tác phẩm văn học trước đây thường được thầy cô giảng giải, phân tích chi tiết về nội dung, nghệ thuật thì bây giờ chỉ hướng tới kĩ năng đọc và thể loại chứ không khai thác sâu về nội dung và nghệ thuật như trước. 

Phần Tiếng Việt trước đây có phần lý thuyết rồi mới đến phần bài tập nhưng bây giờ đi vào thực hành bài tập ngay. Vì mục tiêu là phát huy phẩm chất năng lực của học trò.

Nếu nhìn qua chương trình, sách giáo khoa chúng ta thấy có nhiều tiến bộ so với trước đây. Đặc biệt, khi Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông yêu cầu tránh lấy văn bản đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu đọc hiểu và viết với mục đích là tránh dùng văn mẫu đã nhận được nhiều đồng thuận của dư luận.

Giờ dạy và học Ngữ văn thành "công thức món ăn nhanh"

Khi giáo viên dạy cho học trò phần văn bản dù bám vào chương trình là "rèn luyện kĩ năng đọc" cho học trò thì giáo viên cũng chỉ có thể cho học sinh đọc 1 lần với văn xuôi và 2 lần đối với thơ chứ không thể đọc hơn được vì nó sẽ dẫn đến sự nhàm chán cho học trò.

Việc hạn chế giáo viên bình giảng, phân tích phần tác phẩm văn học ít nhiều đã giảm đi chất văn vốn có. Chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh thầy cô say sưa giảng những bài thơ, những truyện ngắn, những hình ảnh người lính, người phụ nữ, người nông dân, hay những câu ca dao, câu Kiều… đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ, những tiết thi giáo viên giỏi, thao giảng chuyên đề mà giáo viên giảng nhiều xem như là không đạt.

Bởi lẽ, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ra đời và có hiệu lực đã được xem là kim chỉ nam cho việc dạy học ngày nay. Giáo viên sẽ giao nhiệm vụ học tập cho học trò - học trò chuẩn bị ở nhà - lên lớp báo cáo - học sinh trong lớp nhận xét sản phẩm - giáo viên nhận xét và chốt lại vấn đề. Vậy là xong 1 hoạt động dạy học. Học sinh càng làm trơn tru, giáo viên ít phải làm việc được xem là tiết dạy thành công.

Thế nhưng, phía sau những phần nổi đó là những điều băn khoăn của nhiều giáo viên dạy Ngữ văn hiện nay. Họ lo lắng khi những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, giảng đi, giảng lại nhiều lần nhưng khi kiểm tra, thi cử thì học sinh còn làm chưa được.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 có 172 bài thi bị điểm liệt môn Ngữ văn. Năm 2022, môn Ngữ văn 194 bài điểm liệt. Trong khi, trước kỳ thi này, các trường đều đã hoàn thành sớm chương trình để ôn tập các môn thi, trong đó có môn Ngữ văn cho học trò.

Vì thế, nếu như thực hiện đúng như Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH (hiện đang áp dụng cho các lớp dạy và học chương trình mới) thì có bao nhiêu học sinh cảm nhận được những văn bản không học trong sách giáo khoa? 

Nếu như kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở trường thì dù sao thầy cô vẫn còn giảng bài trước nhưng nếu thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông mà đề thi ra hoàn toàn văn bản mới sẽ khiến cho một bộ phận không nhỏ thí sinh sẽ chẳng cảm được điều gì trong đề thi.

Ngay cả một bộ phận giáo viên Ngữ văn là những người đam mê môn Văn, học 4 năm đại học mà khi giảng dạy chương trình mới còn phải nhờ đến rất nhiều tài liệu bổ trợ còn cảm thụ chưa hết thì học sinh phổ thông mấy em cảm nhận được những tác phẩm ngoài sách giáo khoa?

Việc chuẩn bị bài trước (sản phẩm học tập) hiện nay mà học sinh đang thực hiện phần lớn là lấy trên mạng Internet và từ các lớp học thêm chứ bản thân học sinh mấy em cảm nổi kiến thức mà thầy cô chưa dạy. Vì thế, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo Công văn Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và dạy học theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hiện nay vẫn còn khá nhiều những bất cập.

Việc các giáo viên dạy Ngữ văn lo lắng giảm chất văn trong chương trình phổ thông là chính đáng. Nhiều giờ giảng văn bây giờ thường nguội lạnh về cảm xúc đối với cả thầy và trò.