Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại MB: Tăng siêu tốc 737% sau hơn 5 năm

Vân Anh
09:28 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ trong hơn 5 năm, giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tăng tới 737% giúp ngân hàng trở thành Á quân ở mảng này, chỉ sau Techcombank.

MB không có tên trong danh sách 8 ngân hàng bị thanh tra

Chưa bao giờ, thị trường trái phiếu Việt Nam lại được “quan tâm” như hiện nay. Trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt và 9 lô trái phiếu do các công ty con của Tân Hoàng Minh phát hành phải hủy bỏ. 

Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu. 

Cuối tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại MB: Tăng siêu tốc 737% sau hơn 5 năm - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) không bị thanh tra dù đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 các Ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nhiều nhất. Ảnh: Vietnam+

Không chỉ có vậy, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

8 ngân hàng thương mại bị thanh tra bao gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank).

Danh sách này gây bất ngờ vì Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) không bị thanh tra dù đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 các Ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nhiều nhất, chỉ sau Techcombank.

Hành trình tăng siêu tốc giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Tại thời điểm 31/12/2021, MB đứng thứ hai trong danh sách này với 42.962 tỉ đồng (tương đương 7,08% tổng tài sản), chỉ sau Techcombank với 62.809 tỉ đồng, tương ứng 11,04% tổng tài sản.

Đầu năm 2021, mặc dù các cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều về thị trường trái phiếu nhưng MB tiếp tục đổ tiền vào kênh này.

Tại ngày 31/3/2022, chỉ tiêu chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tại MB lên đến 50.620 tỉ đồng, tăng 7.658 tỉ đồng, tương đương 17,8% so với cuối năm 2021. 

Đây không phải lần duy nhất giá trị đầu tư vào trái phiếu tại MB tăng mạnh. Trước đó, kênh đầu tư này không ngừng “nổi sóng” suốt nhiều năm qua. 

Tại thời điểm cuối năm 2020, 2019, 2018 và 2017, chỉ tiêu này lần lượt đạt 28.104 tỉ đồng, 15.167 tỉ đồng, 8.754 tỉ đồng, 6.050 tỉ đồng.

Có thể thấy, tốc độ tăng của giá trị dòng vốn đầu tư vào trái phiếu tại MB là... siêu tốc. 

Tại ngày 31/3/2022, MB đã rót 50.620 tỉ đồng vào kênh trái phiếu, tăng 44.570 tỉ đồng, tương đương 737% so với năm 2017. Tốc độ tăng này cao vượt trội so với Techcombank (254%), 

Bất động sản là một trong những ngành nghề được MB quan tâm cho kênh trái phiếu. 

Tại công ty bất động sản có vốn hóa thị trường lớn thứ ba ngành (niêm yết trên thị trường chứng khoán), MB đã rót tổng cộng 9.791 tỉ đồng vào công ty này, chưa kể hàng ngàn tỉ đồng thông qua kênh tín dụng.

Ngoài ra, MB còn dành 335,4 tỉ đồng mua trái phiếu Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM). BCM là một trong những ông lớn sở hữu khoản nợ tỉ đô. Tại thời điểm 31/3/2022, nợ phải trả của BCM lên tới 31.974 tỉ đồng. 

Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại MB: Tăng siêu tốc 737% sau hơn 5 năm - Ảnh 2.

Bất động sản là một trong những ngành nghề được MB quan tâm cho kênh trái phiếu. Ảnh: IT

Lợi nhuận tăng khiêm tốn hơn tốc độ tăng trưởng trái phiếu

MB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất tốt nhưng tốc độ tăng này vẫn khiêm tốn so với trái phiếu.

Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống MB đạt 13.222 tỉ đồng, tăng 9.701 tỉ đồng, tương đương 276% so với năm 2017, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 737% của dòng vốn vào trái phiếu.

Bước sang năm 2022, MB tiếp tục cải thiện mạnh về lợi sau thuế. Quý 1/2022, chỉ tiêu này lên tới 4.726 tỉ đồng, tăng đáng kể so với con số 3.666 tỉ đồng của quý 1/2021.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng 450 tỉ đồng, tương đương 54,9% lên 1.269 tỉ đồng.

Bình luận của bạn

Bình luận