Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch cúm gia cầm H5N1 dịp Tết Nguyên đán 2024

Minh Châu
20:31 - 20/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh cúm gia cầm H5N1 xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi. Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch cúm gia cầm H5N1 dịp Tết Nguyên đán 2024- Ảnh 1.

Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm cho người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất. Ảnh: scitechdaily

Cúm gia cầm H5N1 là gì?

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm cho người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất.

Cúm gia cầm là bệnh lây qua đường hô hấp, nguồn lây từ động vật sang người. Trong đó, H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người, còn gọi là cúm gà.

Từ năm 1997, sự bùng phát của virus cúm gia cầm H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.

Virus H5N1 có vật chủ chính là gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.

Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người. Virus cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép... Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính cúm gia cầm H5N1. Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.

Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Chợ và các địa điểm bán gia cầm trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư. Thịt hoặc trứng gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch cúm gia cầm H5N1 dịp Tết Nguyên đán 2024- Ảnh 2.

Tiêu hủy gà mắc cúm A/H5N1 tại một hộ dân. Ảnh: Báo Quảng Nam

Phòng chống bệnh cúm gia cầm H5N1

Thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23/11 đến nay, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tỉnh Kampot (Campuchia) có biên giới giáp ranh với các tỉnh phía Tây Nam của Việt Nam.

Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương, tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Trong khi đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Do đó hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Đặc biệt, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nội địa và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Bệnh cúm gia cầm H5N1 có tỷ lệ tử vong cao

Bệnh cúm gia cầm H5N1 xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi, tuy nhiên dịch tập trung ở các lứa tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn. Lưu ý, người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng. Các biểu hiện nặng hơn như khó thở hoặc viêm phổi, suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Sốt cao liên tục trên 38 độ C.

Cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc.

Đau ngực, tim đập nhanh.

Đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm.

Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng do cúm gia cầm H5N1 trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch cúm gia cầm H5N1 dịp Tết Nguyên đán 2024- Ảnh 3.

Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết Nguyên đán 2024, trong đó có cúm gia cầm H5N1, người dân cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh... Ảnh minh họa từ INT

Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiếm gặp hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng khác nhau ở mỗi người mà các triệu chứng sẽ khác nhau.

Trước nguy cơ hiện hữu của dịch cúm gia cầm H5N1, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh; Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn.

Người dân cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu bị sốt, ho và cơ thể bị đau nhức và gần đây đã đi du lịch ở quốc gia hoặc khu vực đang có dịch cúm gia cầm.

Ngày 16/1/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 40/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024.
Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
https://congdankhuyenhoc.vn/bo-y-te-yeu...
Nguồn: Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng