Đạo văn bằng AI, sinh viên Trung Quốc có thể bị thu hồi bằng tốt nghiệp?
Lo ngại về tình trạng sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận trong học tập ngày càng trở nên phổ biến, Chính phủ Trung Quốc hiện đang đề xuất sẽ thu hồi bằng tốt nghiệp nếu phát hiện trường hợp sử dụng các công cụ AI để viết luận văn.
Theo đài truyền hình Trung Quốc, quy định cấm sử dụng AI để viết luận văn nằm trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung về bằng cấp học thuật kể từ khi đạo luật này được ban hành từ năm 1980. Trước đó, theo bản dự thảo được công bố vào năm 2021 của Trung Quốc thì việc sử dụng AI để đạo văn và gian lận dữ liệu không nằm trong danh sách các hành vi phạm tội bị xử lý bằng cách thu hồi bằng cấp.
Dự thảo luật hiện sẽ được cân nhắc trong phiên họp kéo dài 5 ngày cho đến ngày 1/9. Tại Trung Quốc, các đề xuất lập pháp thường trải qua 3 vòng cân nhắc trước khi được bỏ phiếu.
Sử dụng AI trở nên phổ biến với sinh viên Trung Quốc
Hiện nay, việc sử dụng AI, cụ thể là ChatGPT và các ứng dụng tương đương khác đã thực sự bùng nổ ở Trung Quốc, kể cả đối với sinh viên. Trên mạng xã hội, các bài đăng chia sẻ mẹo sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó có cả những bài đăng viết về khả năng hoàn thành luận văn bậc cử nhân chỉ trong vòng 3 ngày với sự trợ giúp của ChatGPT.
Ngày 28/9 vừa qua, cơ sở dữ liệu về các bài viết học thuật lớn nhất Trung Quốc đã ra mắt trợ lý AI để giúp người dùng tìm kiếm và xem xét bài viết dễ dàng hơn.
Trong khi đó, một số tạp chí học thuật như tạp chí do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Sư phạm Thiên Tân là cơ quan chủ quản đã ban hành hướng dẫn về việc sử dụng AI và cấm sử dụng AI một cách bừa bãi.
Vào tháng 4, cơ quan truyền thông thuộc Chính phủ Trung Quốc, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và một viện nghiên cứu AI ở phía đông tỉnh An Huy đã phối hợp cùng ra mắt AIGC-X - máy dò nội dung do AI tạo ra đầu tiên tại quốc gia này. Các nhà phát triển khẳng định rằng, công cụ AIGC-X có thể phân biệt văn bản do con người tạo ra và văn bản do máy tạo ra với độ chính xác trên 90%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google