Đại học không còn là cánh cửa duy nhất để lập thân, lập nghiệp

15:12 - 27/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đại học đã không còn là đích đến duy nhất và mục tiêu duy nhất để các bạn trẻ chinh phục tương lai.

Các trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2022. Có kẻ vui, nhưng cũng có người buồn. Nếu là hơn chục năm trước, các bạn trẻ phải chờ đến tận năm sau để tiếp tục thi lần nữa. Còn hiện nay, đại học đã không còn là cánh cửa duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Đại học không còn là cánh cửa duy nhất để lập thân, lập nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh xem điểm chuẩn đại học 2022. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Tín hiệu từ nhu cầu tuyển dụng

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (FALMI) đã thực hiện khảo sát khoảng 121.000 người tìm việc trong năm 2021. Kết quả, có 57.000 người trình độ đại học (tức hơn 42% số lượng lao động được khảo sát) nhưng nhà tuyển dụng chỉ cần gần 39.000 người.

Còn ở nhóm trình độ cao đẳng có gần 23.000 người đi tìm việc nhưng doanh nghiệp lại cần tới hơn 37.000 vị trí công việc.

Như vậy, với những gì diễn ra trong thực tế, thị trường lao động đã và đang có xu hướng coi trọng kỹ năng hành nghề, hiệu quả làm việc của người lao động hơn là loại hình, cấp bậc đào tạo.

Quả thực, sau dư chấn của đại dịch Covid-19, thực tiễn nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động lại lần nữa cho thấy cơ hội vàng dành cho các lao động có lợi thế về kỹ năng nghề nghiệp trực tiếp. Và lợi thế này, dường như thuộc về khối sinh viên tốt nghiệp ở bậc đào tạo cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Và chính nhu cầu thực tế của thị trường lao động như vừa phân tích ở trên đã tác động đến quá trình lựa chọn ngành học, bậc học của học sinh và phụ huynh, đặc biệt là trong bối cảnh đào tạo nghề, cao đẳng nghề đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đại học đã không còn là đích đến duy nhất, mục tiêu duy nhất để các bạn trẻ chinh phục cho tương lai của bản thân mình.

Nhiều cơ hội khác

Tham gia bậc học cao đẳng, người trẻ không chỉ có lợi thế về việc cạnh tranh nghề nghiệp mà còn có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Trong hành trình tiến bước vào tương lai, thời gian là yếu tố vô cùng quý giá với mỗi bạn trẻ.

Theo quy chế hiện hành của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian đào tạo của bậc cao đẳng chỉ từ 2 đến 3 năm. Xen kẽ trong quá trình này, các cơ sở đào tạo còn chủ động lồng ghép chuỗi hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.

Hàng loạt những mô hình như “Đưa doanh nghiệp vào giảng đường”, “Từ giảng đường đến doanh nghiệp”… đã đem lại tiềm năng to lớn giúp sinh viên rút ngắn quá trình chuyển hóa lý thuyết thành kỹ năng thực hành thực tiễn.

Hình thức này không chỉ giúp sinh viên nhanh chóng thích nghi với môi trường công việc tương lai, mà ở chiều ngược lại, còn giúp doanh nghiệp có tìm thấy những ứng viên sáng giá năng động, nhiệt huyết.

Bậc học cao đẳng cũng là lựa chọn vừa sức nếu bạn trẻ cảm thấy sức học bản thân vừa phải, muốn định hướng chuyên môn gắn liền với sản phẩm trực tiếp, hơn là học thuật, nghiên cứu.

Nếu đủ tự tin để tham gia vào bậc học cao đẳng, tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng, bạn trẻ đã lựa chọn con đường ngắn nhất để đến với việc làm chuyên nghiệp, một cách khác giúp họ tỏa sáng với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo.

Thêm vào đó, bậc học cao đẳng không có nghĩa là bạn yếu thế về mặt bằng cấp bở văn bằng Cử nhân thực hành (hoặc Kỹ sư thực hành, tùy thuộc ngành nghề đào tạo) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp hoàn toàn có thể được trọng dụng ở các đơn vị khu vực nhà nước lẫn các doanh nghiệp tư nhân.

Như kết quả của cuộc khảo sát trên của FALMI, nguồn nhân lực tốt nghiệp cao đẳng đang chiếm lợi thế trong nhu cầu tuyển dụng.

Cuối cùng, việc học liên thông ngày nay cũng trở nên dễ dàng bởi chủ trương chính sách khuyến khích từ những quy chế quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, luôn rộng mở cho những ai khát khao tiếp tục hành trình chinh phục tri thức.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam