Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên cao nhất nước

Đắc Quang
01:09 - 30/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là một trong những kết luận theo “Kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021” vừa được Bộ Nội vụ công bố.

Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, lần đầu tiên do Bộ Nội vụ triển khai thực hiên nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính.

Trong "Kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021", Ban Chỉ đạo điều tra cơ sở hành chính Trung ương tập trung công bố và phân tích số liệu nội tại của cuộc điều tra liên quan đến chức năng quản lý, hoạch định chính sách của ngành Nội vụ.

Đáng chú ý trong kết quả điều tra là số lượng các các cơ sở hành chính; số lượng và trình lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, số lượng các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội năm 2020 giảm 49,1% so với năm 2016. Bình quân hằng năm trong giai đoạn năm 2016 – 2020, số đơn vị hành chính giảm 15,6%.

Một trong những nguyên nhân của kết quả này là việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

Số lượng lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tăng so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số lao động trong các đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội là 1.382 nghìn lao động tăng 15% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn năm 2016 – 2020, số lượng lao động trong các cơ sở hành chính tăng 3,6%/năm.

"Kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021" cũng chỉ rõ trình độ người đứng đầu các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đạt trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ rất cao.

Tỷ lệ người đứng đầu có trình độ đại học trở lên chiếm 97,85% trong tổng số người đứng đầu. Trong đó, trình độ thạc sĩ chiếm 26,35%, trình độ tiến sĩ chiếm 1,63%. Còn lại là trình độ trung cấp và cao đẳng, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng và chưa đào tạo. Đặc biệt số người đứng đầu là nữ có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 99,21% số người đứng đầu là nữ.

Trình độ đào tạo của lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội ngày càng được nâng cao, số lượng lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động (chiếm 58,4%).

Xét theo vùng kinh tế lực lượng lao động có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có tỷ lệ cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ và cuối cùng là Tây Nguyên.