Cách mạng 4.0, cơ hội hay thách thức cho chiến lược lao động và việc làm?
Chiến lược lao động và việc làm trong kỷ nguyên số đang là thách thức của các nền kinh tế. Hay nói cách khác, cách mạng 4.0 (còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư) sẽ chi phối thế nào đến tương lai nguồn nhân lực của khu vực, trong đó có Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia có nguồn lực lao động trẻ. Ảnh TTH
Người ta cho rằng, đây chính là nguyên nhân của một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn thế giới sau sự ra đời của công nghiệp động cơ máy hơi nước, động cơ điện và điện tử bán dẫn trong xã hội thông tin. Thế giới đang hình thành xu hướng mới có tính đột phá về tự động hóa trong sản xuất và chế tạo được gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thừa kế những tinh hoa công nghiệp – kỹ thuật của nhân loại, cuộc cách mạng lần này là sự hợp nhất về mặt công nghệ, xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, hệ thống ảo và thực thể để cho ra đời một liên kết ưu việt được mã hóa trên nhiều lĩnh vực, áp dụng vào tất cả những loại hình dịch vụ phục vụ đời sống.
Việt Nam đón đợi một kỷ nguyên số ở nhóm đầu tiên các nền kinh tế hào hứng vớicách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh CD&KH
Cần khẳng định rằng nguồn nhân lực ở bất kỳ thời điểm nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực phát triển. Trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, là phương tiện để con người mở ra chân trời mới, để phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân, đóng góp vào thành tựu văn minh của nhân loại. Sinh ra công nghệ để phục vụ con người, và con người phải hoàn thiện và trang bị thích ứng để có thể điều khiển được xã hội thông tin.
Việt Nam đang là nền kinh tế ứng dụng hầu như tinh hoa về khoa học công nghệ của nhân loại ở tất cả các lĩnh vực. Ở một vài vấn đề chuyên môn sâu, thiết bị tối tân đi kèm với đức tính kiên trì, cần mẫn sáng tạo và thông minh của người Việt Nam còn có thể cho ra đời những thành công vượt trội.
Trong kỷ nguyên số, những thách thức và cơ hội dành cho các nền kinh tế là như nhau. Một số ngành nghề sẽ mất đi trên thế giới, nhưng cùng với đó, các ngành nghề mới sẽ sinh ra. Nhiều loại hình đào tạo mới cũng phát triển, và như vậy, sự chuyển đổi về cơ cấu ngành nghề sẽ là sự chuyển động tất yếu, chứ tài nguyên nhân lực sẽ không bị triệt tiêu mất đi như cách nghĩ tiêu cực về cách mạng 4.0
Quan trọng hơn cả là con người sẽ không ngừng phải học tập – một xã hội học tập, và học tập cả đời là các cụm từ sẽ được nhắc đến rốt ráo trong chiến lược về nguồn nhân lực đến tương lai. Đối với Việt Nam, theo một nghiên cứu về thị trường lao động, những ngành nghề đào tạo có liên quan đến khoa học kỹ thuật, thông tin, kỹ thuật, số hóa có tỷ lệ thất nghiệp ít hơn số sinh viên theo học cách ngành nghề văn khoa, xã hội.
Kỷ nguyên số hóa là tương lai của nhân loại. Ảnh CD-KH
Bên cạnh đó, với sự xoay vần này, những lao động bị ảnh hưởng bởi thay đổi cơ cấu sẽ đi về đâu? Họ ở nhóm những ngành nghề sẽ dần bị thay thế bởi máy móc công nghệ mới, những ngành nghề lạc hậu, các nhóm nhân lực dễ bị tổn thương vì không còn phù hợp. Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong một đoàn tàu cách mạng công nghiệp thì các nền kinh tế cũng cần chuẩn bị một chính sách bảo trợ xã hội tốt, không kích ứng với những chuyển động quá nhanh của thị trường lao động trẻ năng động.
Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dường như lại dễ dàng hơn so với trước đây. Bởi Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là nền tảng cho cuộc cách mạng lần này. Cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương); tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…
Một trong những giải pháp được tập trung đẩy mạnh đó là tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương, trong đó các khu vực đang đồng hành trong chiến lược chuyển đổi số và các cơ chế hợp tác khác là định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam.
Những động tác được lặp đi lặp lại "như một cái máy" ở một vị trí lao động như hiện nay trong dây chuyền sản xuất tương lai sẽ được thay bằng một cái máy thật sự. Đó là một cuộc cách mạng 4.0 thật sự hữu ích và ưu việt. Nhưng ở những ngành nghề cần sự ấm áp, cần nhiệt độ cảm xúc từ bản năng nhân văn của con người thì không máy móc nào thay thế được – ví như vị trí điều dưỡng trong bệnh viện.
Một vài lĩnh vực thương mại xa xỉ và công nghệ cao, yếu tố con người sẽ càng được trọng vọng. Bởi ở đó, tính cá nhân, duy nhất và khác biệt sẽ được khẳng định. Thế giới theo đó sẽ biến đổi theo kỷ nguyên số. Càng công nghệ cao, nguồn lực con người càng chất lượng cao, trí tuệ và cảm xúc của con người là tài nguyên vô giá.
Có thể nói, Việt Nam đón đợi một kỷ nguyên số ở nhóm đầu tiên các nền kinh tế hào hứng với cách mạng công nghiệp 4.0 bằng hệ thống các chính sách lâu dài và bền vững.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google