Đại học hàng đầu Trung Quốc loại bỏ kỳ thi Tiếng Anh đối với sinh viên
Giữa tranh cãi về vai trò của kỳ thi Tiếng Anh đại học, Đại học Giao thông Tây An - trường thuộc top 5% tốt nhất Trung Quốc đã bỏ bài thi tiếng Anh đầu vào và đầu ra cho sinh viên.
Tại Trung Quốc, một cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi về việc tổ chức kỳ thi Tiếng Anh đại học toàn quốc (CET) có thực sự mang lại lợi ích cho sinh viên hay không. Một số nhà phê bình cho rằng, bằng tiếng Anh chỉ có giá trị với một số người nhất định.
Trong khi đó, Đại học Giao thông Tây An - một trường nghiên cứu công lập ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc xác nhận rằng, trường đã không còn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành kỳ thi Tiếng Anh mới có thể nhập trường hoặc tốt nghiệp.
Theo phòng công tác sinh viên của Đại học Giao thông Tây An, sự thay đổi này được thực hiện dựa trên tình hình thực tế. Nhưng nhà trường vẫn giảng dạy và cung cấp các khóa học tiếng Anh cấp đại học dựa trên kiến thức mà CET yêu cầu.
Có nên bỏ kỳ thi Tiếng Anh đại học?
Trước vấn đề này, Yu Xiaoyu - Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Hồng Kông nêu ý kiến, việc loại bỏ kỳ thi CET sẽ không làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung. Tuy nhiên, chính sách này sẽ khiến sinh viên trở nên ngại học ngôn ngữ hơn.
"Điều không thay đổi là nếu có chứng chỉ tiếng Anh, sinh viên sẽ dễ dàng tìm được việc làm hơn sau khi tốt nghiệp đại học. Đặc biệt với những người có trình độ tiếng Anh cao cấp, họ sẽ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai", Tiến sĩ Yu nói.
Theo ông Yu, tiếng Anh rất quan trọng và hầu hết các công ty ở Trung Quốc sẽ coi trình độ tiếng Anh của ứng cử viên là tiêu chuẩn để tuyển dụng. Bởi những người thành thạo tiếng Anh được cho là sẽ có những phẩm chất tích cực liên quan đến việc có trải nghiệm ngôn ngữ thứ hai như: có trí nhớ tốt và có tư duy logic.
Cũng theo Tiến sĩ Yu - người đã trải qua quá trình nghiên cứu ở Mỹ và Anh cho rằng, quan điểm về việc học ngôn ngữ thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ của người học là hoàn toàn sai lầm.
"Trẻ em có khả năng sử dụng song ngữ hoặc thậm chí đa ngôn ngữ khi chúng được tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ. Còn đối với người lớn, dù có học bao nhiêu ngôn ngữ mới thì cũng không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ", ông Yu cho hay.
Kỳ thi Tiếng Anh đại học nên được cải cách
Cùng với tiếng Trung và Toán, Tiếng Anh là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của Trung Quốc (gaokao). Mỗi môn thi bắt buộc phải đạt tối đa 150 điểm, còn tổng điểm thì tùy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Kế hoạch giảm bớt gánh nặng tiếng Anh và tăng cường tiếng Trung cho sinh viên đã được thảo luận trong một khoảng một thập kỷ qua tại Trung Quốc.
Theo đó, các trường đại học được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn về bằng cấp tiếng Anh cho sinh viên, nhất là những sinh viên ở vùng nông thôn - nơi tiếng Anh không được sử dụng phổ biến.
Trong phiên họp Quốc hội thường niên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 3, một nhà lập pháp đã khiến cuộc tranh luận về bỏ bài kiểm tra Tiếng Anh trong các trường đại học trở nên thu hút khi phát biểu rằng: "Thực tế, bằng tiếng Anh chỉ có giá trị đối với một số người".
Nhà lập pháp này cho rằng, hầu hết mọi người học ngoại ngữ chỉ để đỗ đại học mà không ứng dụng vào công việc hoặc cuộc sống. Vì vậy họ chỉ học những kiến thức để phục vụ cho kỳ thi CET.
Điều này dẫn đến việc bằng CET không có giá trị trong thực tế, bởi những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi Tiếng Anh này vẫn có thể gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Do đó, kỳ thi CET cần được cải cách thay vì bãi bỏ.
"Chúng ta không nên hiểu quyết định bãi bỏ kỳ thi CET của trường đại học là dấu hiệu cho thấy tiếng Anh được ít coi trọng hơn. Thay vào đó, hãy hiểu rằng, hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc hiện đang tìm cách cải cách các kỳ thi tiếng Anh cấp đại học để phù hợp với nhu cầu giáo dục và nghề nghiệp của sinh viên" - theo Tiến sĩ Yu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google