Đại biểu Quốc hội: Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa
Đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tế ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng giá.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Không có căn cứ nào đảm bảo sách giáo khoa tiếp tục không tăng giá
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tại mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 nêu rõ Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Chỉ rõ Nghị quyết 88 được ban hành năm năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122, đại biểu đặt vấn đề 6 năm đó tại sao Bộ Giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện nghị quyết này? Trong khi đó, lại đẩy toàn bộ việc biên soạn sách giáo khoa bằng hình thức xã hội hóa, từ đó dẫn tới việc thả nổi sách giáo khoa, giá tăng và không kiểm soát được.
Theo đại biểu, Đảng kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho giáo dục nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. Đại biểu cho rằng không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đại biểu nhấn mạnh đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng giá.
Biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số
Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng bày tỏ quan điểm tranh luận với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về cơ sở giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa…
Đối với ý kiến cho rằng Nghị quyết 88 là Nghị quyết gốc, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm Nghị quyết gốc và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu cho rằng thay vì giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết hơn.
Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.
Đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Ngoài ra, góp ý đối với vấn đề việc làm cho thanh niên, đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu rõ, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15-24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%...
Tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%... Đại biểu nhấn mạnh thanh niên chính là lực lượng đông đảo tiên phong trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ, gây áp lực cho an sinh xã hội, đây cũng là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội.
Do đó, đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đánh giá lại công tác phân luồng học sinh, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên, đồng thời rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên. Ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng và lao động nói chung ở trong khu vực phi chính thức. Hơn nữa, có cơ chế, chính sách thu hút thanh niên có trình độ và làm việc ở trong khu vực lao động chính thức để tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google