Đại biểu Quốc hội: Cần quy định lương giáo viên ở mức cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp

Minh Châu
10:50 - 01/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cần quy định lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, sáng 1/11, phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đề cập về vấn đề lương giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Cần có mức lương giáo viên tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác

Theo VGP, tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tổ chức sáng 15/8, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp - Ảnh 2.

Mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra. Ảnh: Minh Châu

Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ: Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Cụ thể, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (2) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (5) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.