Cứu sống mẹ con sản phụ bị sản giật nguy kịch trước "lưỡi hái" của tử thần

Minh Châu
19:00 - 04/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Một sản phụ bị sản giật nặng trong tình trạng nguy kịch đã được Bệnh viện Quận 7 phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cứu sống thành công cả mẹ và con.

Cứu sống mẹ con sản phụ bị sản giật nguy kịch trước "lưỡi hái" của tử thần- Ảnh 1.

Sản phụ bị sản giật nặng trong tình trạng nguy kịch đã được Bệnh viện Quận 7 phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cứu sống thành công cả mẹ và con. Ảnh minh họa từ ITN

"Báo động đỏ liên viện" cứu sống mẹ con sản phụ bị sản giật nguy kịch

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, vào lúc 6h15 phút ngày 4/3, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Quận 7 tiếp nhận thai phụ N.L.P.H 19 tuổi, thường trú tại huyện Nhà Bè, nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội với huyết áp 180/120 mHg. 

Khai thác bệnh sử và đánh giá nhanh bệnh nhân, đây là một thai phụ con so 35 tuần 5 ngày, ngôi đầu, chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ Cấp cứu nhận định đây là trường hợp tiền sản giật có dấu hiệu nặng. Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ trực cho thai phụ thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, điều chỉnh huyết áp, siêu âm tại giường, đồng thời khẩn trương mời bác sĩ sản khoa của bệnh viện hội chẩn.

Sau 10 phút nhập viện, bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật, tím tái toàn thân, huyết áp không đo được; mạch không bắt được, ê-kíp trực cấp cứu cùng bác sĩ sản khoa tiến hành hồi sức tích cực cho thai phụ, tiến hành đặt nội khí quản, ấn tim ngoài lồng ngực, tiêm thuốc adrenalin, duy trì MgSO4 và nicardipine để điều chỉnh huyết áp. 

Đồng thời, báo lãnh đạo bệnh viện cho kích hoạt quy trình "báo động đỏ liên viện" với Bệnh viện Từ Dũ do nhận định đây là một trường hợp sản giật nặng, nguy kịch; nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con…

Sau 2 phút hồi sức tích cực thì thai phụ có nhịp tim trở lại, huyết áp lúc này là 220/120 mmHg. Trong khi chờ ê-kíp bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ đến hỗ trợ, nhân viên các khoa bao gồm khoa Cấp cứu, Sản, Nội (Huyết học), Xét nghiệm (dự trù máu), Nhi, Gây mê Hồi sức, của Bệnh viện Quận 7 đã chủ động phối hợp vừa hội chẩn nhanh tại khoa Cấp cứu vừa chuyển thai phụ lên phòng mổ kịp thời.

Khoảng 30 phút sau, ê-kíp các bác sĩ phẫu thuật và hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ đã có mặt tại phòng mổ của Bệnh viện Quận 7 để hỗ trợ phẫu thuật khẩn cấp "bắt" một bé trai cân nặng 2.500g, apgar 5/6. Sau sinh bé được đặt nội khí quản, cho thở oxy và hồi sức tích cực. Sản phụ được tiến hành thắt động mạch tử cung hai bên, khâu ép tử cung để cầm máu, ê-kíp các bác sĩ của 2 bệnh viện hội ý, quyết định bảo tồn tử cung vì thai phụ còn trẻ (19 tuổi).

Sau 1 giờ 30 phút can thiệp phẫu thuật, tình trạng của bé sơ sinh tạm ổn định, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đưa bé về khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện để được tiếp tục chăm sóc và theo dõi. Tình trạng sức khỏe của sản phụ tạm thời ổn định, không còn chảy máu và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức sau mổ Bệnh viện Quận 7.

Sản giật là gì?

Sản giật (Eclampsia) là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. 

Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật.

Cơn sản giật thường đi sau tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp tăng cao xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh. Tuy nhiên trường hợp sau sinh lại hiếm gặp hơn. Khi tình trạng bệnh của thai phụ tiến triển nặng, gây tác động lên não dẫn đến các cơn co giật, lúc này thai phụ đã mắc chứng sản giật.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (Preeclampsia) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.

Tiền sản giật chiếm tỷ lệ 2-10% trong toàn bộ thai kỳ, thường cao hơn ở các nước chậm phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam theo các báo cáo tỷ lệ tiền sản giật dao động 2,8-5,5% trong toàn bộ thai kỳ.

Cứu sống mẹ con sản phụ bị sản giật nguy kịch trước "lưỡi hái" của tử thần- Ảnh 2.

Tất cả thai phụ nên được sàng lọc tiền sản giật từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày theo mô hình của FMF để xác định nguy cơ xuất hiện tiền sản giật, từ đó có liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật cho thai phụ. Ảnh minh họa từ ITN

Biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật

Tiền sản giật gây biến chứng cho mẹ

Hội chứng HELLP: là biến chứng nặng của tiền sản giật và sản giật, thể hiện một đặc điểm của tổn thương nội mô đa cơ quan, bệnh cảnh của hội chứng HELLP thường rất nặng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của người bệnh. Hội chứng HELLP được đặc trưng bởi: Huyết tán (Hemolysis); Tăng men gan (Elevated Liver Enzyme); Giảm tiểu cầu (Low Platelet Count).

Tổn thương hệ thần kinh trung ương: phù não, xuất huyết não – màng não.

Tổn thương thận: co thắt mạch máu ở thận, gây tổn thương vi cầu thận gây tiểu đạm, hoại tử ống thận gây thiểu niệu vô niệu có thể dẫn đến suy thận cấp.

Tổn thương gan: co thắt mạch máu trong gan, hệ quả là tắc nghẽn các mạch máu trong gan và hoại tử tế bào gan, làm căng bao gan, xuất huyết hoại tử trong gan.

Tổn thương tim, phổi: suy tim cấp, phù phổi cấp.

Tổn thương mắt: phù võng mạc, mù mắt.

Huyết học: rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch.

Rau bong non là hệ quả của co thắt mạch và xuất huyết của màng đệm, với tiên lượng rất nặng cho mẹ và cho thai.

Tiền sản giật gây biến chứng cho con

Thai chậm phát triển trong tử cung là một biến chứng thường gặp, xuất hiện trên 50% các trường hợp tiền sản giật.

Đẻ non: là hệ quả của việc điều trị chấm dứt thai kỳ, chiếm khoảng 30 – 40%.

Tử vong chu sinh: tỷ lệ tử vong chu sinh trong tiền sản giật cao gấp 8 lần dân số thường. Tử vong chu sinh tăng trong trường hợp sinh non, thai giới hạn tăng trưởng, rau bong non.

Tổn thương thần kinh do thiếu oxy, do thai non tháng.

Thai chết lưu trong tử cung.

Tất cả thai phụ nên được sàng lọc tiền sản giật từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày theo mô hình của FMF (yếu tố nguy cơ từ thai phụ, MAP, UTPI, PlGF) để xác định nguy cơ xuất hiện tiền sản giật, từ đó có liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật cho thai phụ.

Bình luận của bạn

Bình luận