Cứu sống sản phụ bị tiền sản giật nguy kịch ở Tuyên Quang

Trung Nguyên
16:10 - 06/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sản phụ được đưa vào viện trong tình trạng phù toàn thân, phù nặng hai chân, huyết áp cao, bụng báng, bị tiền sản giật nguy kịch. Các bác sĩ ngay sau đó đã kịp thời cấp cứu, giành lại sự sống cho 2 mẹ con.

Bác sĩ Tạ Anh Kiên - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) mới đây đã cấp cứu thành công một sản phụ 38 tuổi (ở Tuyên Quang) bị tiền sản giật nguy kịch. Trong quá trình mang thai, bệnh nhân bị đái tháo đường, thai to, đa ối trên sản phụ lớn tuổi. 

Được biết, từ khoảng 36 tuần thai, sản phụ xuất hiện phù chân nhưng do chủ quan nên không đến bệnh viện kiểm tra. Khi xuất hiện phù toàn thân sản phụ mới đến bệnh viện thăm khám.

Cứu sống sản phụ bị tiền sản giật nguy kịch ở Tuyên Quang - Ảnh 1.

Sản phụ bị phù nặng hai chân. Ảnh: Trung Nguyên

Theo bác sĩ Kiên, sản phụ được đưa vào viện trong tình trạng phù toàn thân, phù nặng hai chân, huyết áp 190/100mmHg, bụng báng; siêu âm cho thấy thai đa ối, con to, nhiều dịch tự do ổ bụng. Xét nghiệm có tăng men gan, giảm tiểu cầu, albumin giảm thấp, protein niệu cao, HbA1c 8.0%.

Xác định đây là trường hợp tiền sản giật rất nặng, các bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị phương tiện phẫu thuật cấp cứu hồi sức thai; theo dõi sát toàn trạng, huyết áp liên tục trên máy, tim thai, cơn co tử cung. Đồng thời sử dụng hạ áp, phòng giật, nâng albumin máu, chuyển mổ cấp cứu.

Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, khẩn trương với đội ngũ bác sĩ nhiều chuyên khoa. Sau một thời gian ngắn, một bé gái nặng 4,3kg chào đời an toàn, khóc to, phản xạ bú mút khá, sơ sinh nhanh chóng được hồi sức chuyển đơn nguyên sơ sinh chăm sóc. Sản phụ sau phẫu thuật lấy thai được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục theo dõi sát.

Cứu sống sản phụ bị tiền sản giật nguy kịch ở Tuyên Quang - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho sản phụ bị tiền sản giật. Ảnh: Trung Nguyên

Tuy nhiên sau sinh, trẻ xuất hiện vã mồ hôi trán nhiều, tím lạnh ngoại vi, thỉnh thoảng có cơn tím ngắn 30 giây, hạ đường huyết nặng. Trẻ đã nhanh chóng được cấp cứu. 

Hiện tại, sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của hai mẹ con sản phụ đã tạm thời ổn định, bé sơ sinh có thể ăn sữa mẹ và chuẩn bị được ghép mẹ.

Tiền sản giật gây nguy hiểm cho cả mẹ và con

Bác sĩ Tạ Anh Kiên cho biết, tiền sản giật nặng có những biến chứng như sản giật, hội chứng HELLP (một rối loạn có khả năng đe dọa đến tính mạng liên quan đến tiền sản giật), rau bong non… ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ. Đặc biệt là trong quá trình chuyển dạ và phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng như sản giật, rối loạn đông máu, chảy máu, suy đa phủ tạng…

Với thai nhi, tiền sản giật làm giảm lưu lượng máu cung cấp từ cơ thể mẹ đến thai nhi, từ đó khiến thai bị suy dinh dưỡng, giảm nước ối, chậm phát triển. Trường hợp nặng hơn, tiền sản giật và sản giật có thể khiến thai chết lưu trong tử cung.

Triệu chứng tiền sản giật thường xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ và rõ ràng trong 3 tháng cuối. Dấu hiệu bệnh ở mỗi sản phụ có thể khác nhau tùy theo mức độ bệnh, có những dấu hiệu như: tăng cân nhanh bất thường; bị sưng ở mặt hoặc tay chân; mất thị lực, thay đổi tầm nhìn; Khó thở; buồn nôn, nôn mửa đột ngột; đau đầu dai dẳng; đau bụng trên....

Vì vậy, các sản phụ, có nguy cơ cao như đa thai, rau tiền đạo, đái tháo đường thai kì, béo phì, mẹ lớn tuổi, tăng huyết áp...) cần được khám quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế. Ngay khi phát hiện những bất thường như trên, sản phụ cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi và kiểm tra sức khỏe, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.