Nhà nông tự học thành tài Đặng Ngọc Toàn

Trương Thuý Hằng
15:00 - 18/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ông Đặng Ngọc Toàn, 74 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình, với đề án sáng chế hệ thống máy sấy cây lúa non xuất khẩu đã nhận giải Khuyến học - Tự học thành tài của giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16, năm 2022.

Nhà nông tự học thành tài Đặng Ngọc Toàn

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao bảng vàng vinh danh tự học thành tài cho ông Đặng Ngọc Toàn và vợ (bên trái) trng khuôn khổ giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2022. Ảnh TTH

74 tuổi, giọng nói sang sảng, vẻ mặt luôn sáng lên niềm vui của nông dân Đặng Ngọc Toàn xuất hiện giữa thủ đô để nhận giải "Tự học thành tài" của giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" lần thứ 16 đã thu hút sự chú ý của báo giới và cộng đồng những người yêu khoa học. Với tác phong nhanh nhẹn vốn dĩ của một người lính, ông Toàn say sưa kể về quá trình tự học, từ tìm hiểu, nghiên cứu để chế tạo máy móc phục vụ cho xưởng sản xuất cơ khí của gia đình ông ở quê nhà.

Sáng chế của ông Đặng Ngọc Toàn với hệ thống máy sấy cây lúa non xuất khẩu có thể tiết kiệm thời gian sấy từ 12 giờ xuống 8-9 giờ. Tiết kiệm được nhiều nguyên vật liệu chất đốt, giảm 2/3 lượng nguyên vật liệu so với sử dụng máy của Nhật. Số lượng người tham gia sấy giảm đi. Năng suất 1 sào Bắc Bộ lúa non xuất khẩu gấp 3 lần cấy lúa bình thường 1 sào Bắc Bộ. Nếu tính trồng lúa thu hoạch 1 sào Bắc Bộ được 1.800.000 đồng thì trồng cây lúa non xuất khẩu thu hoạch được từ 5,5 đến 6 triệu đồng. Giá thành máy chỉ bằng 1/7 giá mua nhập khẩu từ Nhật Bản (80 triệu/25.000USD). Đảm bảo kịp thời vụ thu hoạch cho người dân.

Sản phẩm đảm bảo môi trường trong sạch, không gây tiếng ồn, không có các khí thải, chất thải ra môi trường. Các chất thải, khí thải đều đưa vào trong lò để sấy, không có khí thoát ra ngoài. 

Có thể nói, ônng Đặng Ngọc Toàn là một trong những tấm gương người cao tuổi tự học, tự nghiên cứu, học tập suốt đời. Bước ra từ thực tiễn và nghiên cứu để phục vụ chính công việc, người lao động ở vùng quê của mình, ông đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp năng suất cao hơn, vận hành dễ dàng hơn và khiến con người làm chủ được máy móc, khiến bạn hàng phải kính nể. 

Nhà nông tự học thành tài Đặng Ngọc Toàn

Ông Đặng Ngọc Toàn chia sẻ về sáng chế hệ thống máy sấy cây lúa non xuất khẩu của mình. Ảnh TTH

Chia sẻ về cuộc đời mình, ông Đặng Ngọc Toàn cho biết: Ông vốn là công nhân Xí nghiệp cơ điện Ninh Bình, năm 1972, ông tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Ông đã có mặt trong những trận đánh ác liệt tại Bình Trị Thiên và không may bị thương. Năm 1976, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ trở về địa phương với mức thương binh hạng 4/4, ông Toàn làm việc ở một xí nghiệp cơ khí. Vài năm sau, do sức khỏe yếu, không đảm đương được công việc, ông chủ động xin nghỉ về mở xưởng cơ khí tại nhà.

Ban đầu, với kinh nghiệm của người thợ cơ khí, ông Toàn chỉ sửa chữa các loại máy nông nghiệp thông thường và đơn giản. Dần dà, ông tìm tòi, học hỏi và dành thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, rồi chế tạo và sản xuất thành công nhiều sản phẩm chất lượng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: máy xay xát, máy cày, máy bơm nước, máy sấy cói… Không chỉ tự chế tạo các loại máy móc, ông Toàn còn nhận đặt hàng theo yêu cầu mô tả của khách hàng và luôn hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng và mẫu mã sản phẩm đạt yêu cầu, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tới đặt mua.

Đặc biệt, ông Toàn từng nổi tiếng vì đã tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công quạt gió công suất lớn, phục vụ cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn, có thể đúc từ 4 - 10 tấn đồng trên một mẻ, rất hiệu quả cho việc đúc các tượng đài có khối lượng lớn một cách dễ dàng, không phải nhập ngoại.

Một thời gian dài, sản phẩm này được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở đúc đồng có công suất lớn ở Việt Nam, nhất là các cơ sở đúc trên địa bàn huyện ý Yên, tỉnh Nam Định, cho hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, đáp ứng các công trình đầu tư rất lớn của Nhà nước. 

Sản phẩm "Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn" của ông Đặng Ngọc Toàn đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình giới thiệu tham gia Giải thưởng sáng tạo Khoa học, công nghệ Việt Nam năm 2012.

Qua nhiều năm làm nghề, tích nhặt nhiều kinh nghiệm và mở rộng được bạn hàng, từ một thợ sửa chữa cơ khí máy móc bình thường, đến nay, ông Toàn đã làm chủ doanh nghiệp cơ khí với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Với công việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, ông Đặng Ngọc Toàn dự định đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất thêm nhiều dụng cụ phục vụ nông nghiệp hiện đại, như các máy làm đất, máy cày, máy bơm… loại nhỏ, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của nông dân tại địa phương.

Bình luận của bạn

Bình luận