Cuộc đời với phép cộng trừ vô tận

Đỗ Tho
05:35 - 13/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Con người ta bây giờ cứ nghĩ là hoàn thiện mình phải bằng dấu cộng (+), mình phải giỏi hơn nữa, học thêm nữa, đàn hay, giỏi ngoại ngữ nhưng thực ra để hoàn thiện con người phải là dấu trừ (-) vì cộng (+) thì mãi mãi không bao giờ hoàn thiện...

Đời người sinh ra là để trả nợ (-): đời trả nợ người, sống là để chia sẻ (-), buông bỏ (-) để trở về (0).

‏Một chiều xuân muộn, Hà Nội có mưa bay. 

Ngôi biệt thự cổ đã cả trăm tuổi vẫn chưa già theo năm tháng. 

Góc này là quán cà phê. 

Mảng kia là tiệm quần áo. 

Sâu sâu trong căn phòng nhỏ là cửa hàng gốm sứ của đôi bạn trẻ 9x. 

Tất cả đều mang màu sắc của cá tính và chút hiện đại pha lẫn cổ kính đan xen của tuổi trẻ và ký ức.‏

Phép cộng trừ 1

Quán cà phê trong ngôi nhà cổ trầm mặc. (Ảnh: Loading T cafe)

‏Chúng tôi vẫn ngồi với nhau, người cũ - người mới nhưng vô tư hò hẹn, vô tư buông lời tâm sự trong lòng với những chuyện – “quá lớn” so với cuộc đời.‏

‏Phụ nữ vào độ tuổi trên dưới ba mươi như chúng tôi đây, có lẽ bắt đầu thấm hơn những được mất và cả nỗi cô đơn khi đêm về - một mình – trên phố.‏

‏Cô đơn không phải một danh từ xa lạ đối với loài người. ‏

‏Một tiếng rao lạc giữa xa hoa. ‏

‏Một màu đỏ chói lóa giữa khung trời trắng xóa. ‏

‏Một giọng cao vót trong không gian lặng lẽ. ‏

‏Một giọt lệ quạnh quẽ giữa tiếng cười giòn. ‏

‏Thảng hoặc, không ai là không từng cảm nhận cảm giác đó – dù cho có tri kỷ, có tình nhân, có người yêu, có vợ/chồng.‏

Đời người thì hữu hạn mà tình yêu lại quá mênh mông

Phép cộng trừ 2

Những phép tính cuộc đời. (Ảnh: Unsplash)

Hãy bắt đầu bằng những phép cộng

‏Chúng ta lớn dần lên mỗi ngày, năm tháng được tính tăng theo tuổi tác. Kinh nghiệm được đo bằng con số của giờ làm. Tiền bạc tính theo thu nhập hàng tháng với tỷ giá đô la biến động mỗi ngày.‏

‏Chúng ta cũng có thêm dấu cộng bởi xa rời cuộc sống một mình. Có người yêu, rồi có bạn đời. Có con và có thêm đứa con nữa... Các mối quan hệ cũng rộng ra: Bạn tiểu học cho đến bạn đại học, bạn đồng nghiệp, bạn làm ăn và cả bạn trên mạng xã hội.‏

Phép cộng trừ 3

Tận hưởng cuộc sống khi cộng là mênh mông... (Ảnh: Unsplas)

‏Chúng ta vẫn thôi chưa dừng cộng thêm nữa cho mình bởi một số bằng cấp và kỹ năng có được. 

Tiếng Anh. 

Vi tính. 

Lập trình. 

Ghi ta....

Tất cả cứ dài ra mãi...‏

‏Và liệu, bạn đã đủ hài lòng với hiện tại hay chưa?

‏Cuộc sống không ngừng chuyển động. Những dấu cộng vẫn tiếp tục được liệt kê trên một danh sách rất dài. Đời là cầu toàn, là phát triển, là đi lên. Cần cộng, cộng thêm, thêm mãi...

Vài giây mỏi mệt‏

‏Vài nốt trầm lặng lẽ‏

‏Vài thất bại không tên‏

‏Vài mất mát bất chợt‏

‏Dấu trừ xuất hiện. Dấu trừ đến. ‏

Và, dấu trừ thực sự nằm ở đâu?

‏Có lẽ, bất cứ ai trưởng thành đều là người cảm thấu sâu sắc nhất sự hiện diện của dấu trừ.‏

‏Có câu: ‏“Không ai hỏi tuổi phụ nữ”‏ – Tại sao vậy? 

“Gừng càng già càng cay” – nhưng chẳng ai muốn những vết chân chim hằn trên khóe mắt, làn da phải gồng lên chống lại dấu hiệu của lão hóa, vài ba lúc đã cảm thấy ngơ ngác như bị “mất não” – và sợ nhất là những dấu trừ khiến bản thân trở nên “cay nghiệt” với cuộc đời.‏

Cuộc đời với phép cộng trừ vô tận - Ảnh 6.

Lạc lõng trong phép trừ bất tận. (Ảnh: Unsplash)

Tuổi hai mươi ra đi vội vã. Mắt nai thơ ngây thay bằng đôi mắt đã bắt đầu trở nên tò mò và đa nghi bởi một cuộc tình bị rũ bỏ, bởi sự dối gian của tình người, lòng người... Thanh xuân không trở lại.‏

‏Sự mong manh không trở lại khi cuộc sống dạy cho chúng ta biết đứng vững vàng trên đôi chân của mình, biết điều chắc chắn nhất chính là dựa vào bản thân chứ không phải ai khác, biết cô đơn là bạn – bởi không phải cứ muốn là có thể yêu – tình đợi mong nhưng tình không như mong đợi.‏

‏Thất học. Thất tình. Thất nghiệp. Thất bại. Thất vọng. Tất cả là những dấu trừ to đùng mà đôi khi, người ta không biết, cộng bao nhiêu cho bù đủ những hao vơi?‏

‏Dấu trừ một lúc nào đó kéo con người ta rơi vào khoảng không vô định, rơi vào trường số âm tưởng như bất tận, rơi vào cảnh bần hàn, không cần ai, không gần ai...‏

‏Và cuộc đời, có mãi bi thương như thế?‏

Niềm vui thì chóng qua còn nỗi buồn lại thật khó phôi pha?

Cuộc đời là cộng hay trừ?

‏Ai cũng muốn đời mình được thêm chứ không bớt. Có chứ không mất. Chiến thắng chứ không thất bại. Nhiều chứ không ít. To chứ không nhỏ. 

Nhưng có gì chứa mãi để không đầy? Có gì tròn mãi mà không khuyết? Có gì đủ mãi để không phải hư hao?‏

‏Khi chúng ta nhìn ra sự quý giá của những dấu trừ thì mất mát không nằm trong khái niệm tính toán số học đơn giản. Giống như “‏Yêu là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”.(*)‏

‏Dấu trừ thể hiện ở sự sẻ chia: Bạn dành điều tốt đẹp cho người khác, dành thái độ tích cực cho cuộc sống, dành niềm tin yêu lạc quan cho xã hội. Bạn cho nhưng nhận lại là niềm vui và chắc chắn – hạnh phúc sẽ mỉm cười.‏

‏Dấu trừ giúp bạn hoàn thiện chính bản thân mình. “‏Một lần ngã là một lần bớt dại/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”‏.(**) Bớt nông nổi, bớt cạn cợt, thêm sâu sắc, thêm trí tuệ và sự khôn ngoan.‏

‏Nếu ai đã từng đọc qua triết lý của nhà Phật, sẽ nhận ra cuộc đời này luôn tồn tại tính nhị nguyên – hai mặt của một vấn đề - như đồng xu sấp ngửa – có được là có mất – có bớt là có thêm.‏

‏Sẽ thật khó khăn nếu như “vốn liếng” của chúng ta không đủ để bớt, để cho và để trừ. Cho nên trước khi có thể chia sẻ, hãy tích lũy “phần có” của mình. Bạn không thể nói bạn buông bỏ nếu bạn chẳng có gì trong tay.‏

‏Hãy tin tôi, khi đời về không (0) là khi bạn đã sống thật sự cân bằng. Biết mỉm cười giữa vô thường cuộc sống. Biết cho đi để nhận lại trong bình thản, hân hoan.‏

‏... Quán cà phê vẫn lặng lẽ với dòng trầm tư của phép cộng trừ.‏

‏Hương cà phê quế đặc trưng làm ấm cơn mưa lạnh. Nở một nụ cười cảm thán và biết ơn. Vì đời mình còn có để tiếp tục trừ và để cho đi.‏

‏Tự dưng ngân nga câu hát trong lòng: “‏Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi...”(***)

‏Trừ đủ rồi, sống đủ rồi sẽ thấy đời thật thiết tha...

(*) - Xuân Diệu

(**) - Tố Hữu

(***) - Trịnh Công Sơn