Nụ cười Bayon và tinh thần lạc quan của người Khmer
Nụ cười Bayon có liên quan gì tới tinh thần lạc quan của người Khmer hay không? Chuyến đi Siemriep, Campuchia của tôi mang theo thắc mắc này suốt hành trình mà anh bạn Khmer của tôi dẫn dắt. Điều thú vị là tôi đã thấy nụ cười Bayon không chỉ trên mặt các đền tháp, mà ở đời thường.
Nụ cười Bayon lạc quan tạc vào đá qua nhiều thế kỉ
Quần thể di tích Angkor tại tỉnh Siemrriep của Campuchia được xây dựng bởi đế chế Khmer (thế kỷ 9 đến thế kỷ 15), có diện tích rộng trên 1.000 km2. Nằm cách Angkor Wat khoảng 2km là Angkor Thom, thủ đô hùng mạnh của người Khmer xưa. Nơi này, nụ cười Bayon bí ẩn trở thành điều tò mò muốn khám phá của bao du khách khi họ quyết tâm được tới Angkor ít nhất một lần trong đời.
Vào thế kỷ 12 có khoảng 1 triệu dân sống trong thành phố này. Không chỉ có nụ cười Bayon ở Angkor Thom, đền Phnom Bakheng ở đỉnh đồi được mệnh danh là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Trong những ngày tôi đi bộ qua các kinh đô, đền đài cổ của quần thể di tích Siemriep, qua lớp lớp những không gian cổ kính của đền đài hay những ngôi làng nghèo bình dị của miền quê Campuchia nhuộm đầy bụi và nắng, tôi luôn bắt gặp những nụ cười đầy lạc quan của người dân Campuchia.
Trên gương mặt những người tôi gặp, nụ cười luôn nở trên môi, trên lớp da đen sạm nắng, mắt đen sâu thẳm và tóc xoăn vương trên trán, rất giống nụ cười của tháp Bayon.
Phải chăng chính nụ cười Bayon đã và đang là biểu tượng của sự lạc quan của một dân tộc? Có thể tìm thấy nụ cười này trên mỗi bức tượng đá, trên những người đang sống với quần thể di tích lịch sử của dân tộc mình. Nụ cười này cũng có thể lây lan sang du khách nếu ai đó cảm nhận được niềm lạc quan tôn giáo, nụ cười đề cao sự sống và sự trường tồn.
Giải mã những nụ cười Bayon bí ẩn
Đền Bayon được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, dưới thời vua Jayavarman VII – một vị vua nổi tiếng sùng đạo Phật. Đền Bayon nằm ở vị trí trung tâm của Angkor Thom, là khu thờ tự chính của kinh đô huy hoàng xưa và ngày nay du khách có thể tới đây rất dễ ở vị trí chỉ cách cổng thành hơn 1 cây số đi bộ qua hàng cây lá đổ.
Cũng giống như quần thể Angkor Wat, Angkor Thom với trung tâm là đền Bayon được bao bọc bởi một con kênh nhân tạo. Để vào đền, phải đi qua cây cầu đá bắc qua kênh. Hai hành lang cầu được trang trí bằng hai hàng tượng deva nâng rắn - một hình tượng gắn liền với truyền thuyết Samudra Manthan khuấy biển sữa của dân tộc Khmer.
Theo chân người bạn Khmer, tôi ghé thăm bức phù điêu nằm ở phía Đông đền Bayon. Theo các tài liệu còn lưu lại thì bức phù điêu này được các nghệ nhân người Khmer tạc theo sự chỉ đạo của vua Jayavarman VII và được chia làm 2 phần. Phần bên trái như là một đoạn phim chiếu chậm về cuộc sống của người dân ở thành Angkor xưa. Một cuộc sống thịnh vượng với nhiều hoạt động thường nhật như đánh bắt cá, vui chơi giải trí, các hoạt động giao thương với lân bang...
Tuy nhiên, phần đặc biệt nhất của bức phù điêu lại nằm ở mảng còn lại. Mảng này miêu tả một trận thủy chiến vô cùng ác liệt giữa đội quân do đức vua Jayavarman VII chỉ huy với một đội quân ngoại tộc. Điều đặc biệt là, kết quả của trận huyết chiến trên bức phù điêu này lại nghiêng về đối phương, đức vua vĩ đại của người Khmer đã thua trận.
Thua trận, nhưng vẫn cho khắc lên phù điêu cho thấy vị vua này đã lạc quan như thế nào?
Và phải chăng đây chính là dấu chỉ thứ hai cho thấy tinh thần lạc quan đã ngấm vào máu của người Khmer từ thở hồng hoang? Đỉnh điểm của tinh thần lạc quan, một tài sản vô giá mà tiền nhân đã ban phát cho dân tộc Khmer phải chăng là đây - những nụ cười Bayon bí ẩn?
Lúc sinh thời, vua Jayavarman VII theo Phật giáo Đại thừa, một tôn giáo hoàn toàn khác với tín ngưỡng Hindu giáo của các vị vua tiền triều. Sau khi quy y tam bảo, ngài đã cho xây dựng nên ngôi đền này – một công trình Phật giáo hoành tráng nhất trong các triều đại Angkor và đã trở thành biểu tượng trường tồn trong tinh thần lạc quan của một dân tộc.
Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ đã cho rằng, đó chính là nụ cười độ lượng của Đức Phật, nụ cười của người hiểu hết lẽ vô thường của cuộc sống cõi tạm và ban đến cho dân tộc này một tinh thần lạc quan. Nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng, đây chính là chân dung hiền hậu của Avalokitesvara - Quán thế âm Bồ tát. Bởi theo quan niệm vua thần - Devaraja, chính vua Jayavarman VII đã coi mình chính là hiện thân cứu nhân độ thế của Quán thế âm Bồ tát.
Khu vực đền Bayon có tất cả 37 tháp đền đá tạc hình 4 mặt nhìn xuống và nhìn đi 4 hướng như thể quan sát chúng sinh và che chở cho người dân sùng đạo, như tâm thế của vị vua thần - Devaraja khi cho tạc nên kỳ quan này.
Tương tự như vậy, cách đó không xa, đền Tà Prom mang dáng dấp của một điện thờ được đức vua Jayavarman VII xây dựng năm 1189. Đền Tà Prom lúc khởi thủy được đặt tên là Rajavihara, tức đền Hoàng Gia với mục đích tôn vinh hoàng tộc.
Hiện vẫn còn dấu tích cho thấy, nơi đây đã từng là chốn linh thiêng, nơi thờ tự bậc tiền nhân - những người đã khai mở và lập nên một vương triều được xem là hùng mạnh bậc nhất khu vực thời bấy giờ. Cũng giống như hầu hết những khu đền khác, đền Tà Prom là một phức hợp tín ngưỡng. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều phần của khu đền đã bị phá hủy, song sự linh thiêng của nó dường như vẫn còn hiện hữu khắp nơi.
Điều thu hút tôi không chỉ là khám phá những giá trị vô giá của Angkor, không chỉ là đền tháp, chùa chiền, mà tôi thấy trong mỗi quần thể đền tháp tồn tại nhiều thế kỉ ở đây đều ẩn chứa sức sống mãnh liệt.
Hoàng hôn trên đỉnh núi Ba Kheng
Nằm trên đỉnh núi Ba Kheng trong khuôn viên di sản Angkor, đền Yasodharapura được biết đến như là ngôi đền đầu tiên mà đế chế Khmer dựng lên.
Chính vì yếu tố linh thiêng này nên Chính phủ Campuchia quy định, không một công trình nào được phép xây dựng cao hơn đỉnh Ba Kheng như là cách hậu thế tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên. Tuy nhiên, điều khiến bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Angkor đều muốn lên ngôi đền này không chỉ là sự linh thiêng nhiệm màu, mà đơn giản đó chính là một trong 7 nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Tôi hoà vào dòng người xếp hàng lên đỉnh Ba Kheng lúc hoàng hôn sắp xuống trên quần thể Angkor cổ. Chúng tôi cùng những lữ khách từ nhiều quốc gia trên thế giới tìm đường lên đỉnh Ba Kheng đón hoàng hôn. Ở đây, vào thời khắc kết thúc một ngày, ráng đỏ tràn ngập trên cố đô, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều nụ cười mãn nguyện khi tận kiến bóng mặt trời chìm dần xuống đáy hồ Tonle Sáp.
Những nụ cười vẫn còn đó, trên các gương mặt đương đại, khi quần thể Angkor chìm vào bóng tối. Nụ cười Bayon rõ ràng đã và vẫn là nguồn cảm hứng về tinh thần lạc quan của dân tộc Khmer.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google