Cùng về thăm lại Cổ Loa thành
Về thăm thành Cổ Loa, đọc lại những hoành phi câu đối nơi đây, ngẫm lại chuyện An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, rồi để "cơ đồ đắm biển sâu". Lịch sử về An Dương Vương vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.
Những khám phá về Cổ Loa thành buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về triều đại nhà Thục trong cổ sử Việt.
Lớp thành sớm của Cổ Loa có niên đại từ thời Hùng Vương
Sự tích ở Cổ Loa kể rằng Vua Chủ An Dương Vương cho di dời người dân bản địa, giải phóng mặt bằng để xây thành. Câu đối ở đền Thượng nói đến việc này:
"Truyền nước Lạc, Vua xem sông núi
Đối thành Loa, Trời mở mênh mang".
Kết quả khảo cổ thành Cổ Loa những năm gần đây cho biết, ba vòng tường thành nội, trung, ngoại của Cổ Loa đã được xây dựng qua nhiều lần khác nhau. Lớp thành đầu tiên của Cổ Loa có niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên. Ban đầu ở các vòng ngoài của thành là các bờ lũy, mang tính chất kiểm soát hơn là phòng thủ. Kết quả này không khớp với những nhận định hiện nay khi cho rằng là An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc vào thế kỷ III trước Công nguyên (sau năm 257 trước Công nguyên).
Vậy người đầu tiên xây dựng thành Cổ Loa là ai? Liệu thời kỳ An Dương Vương chỉ ngắn vẻn vẹn có vài chục năm ở thế kỷ III - II trước Công nguyên hay không?
Liên quan đến chuyện xây thành Cổ Loa, ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Ninh) có truyền thuyết được chép trong "Bắc Giang tỉnh chí" như sau:
"Cuối đời Chu, Lão Tử đã đi xuống miền Nam du ngoạn. Khi tới tả ngạn sông Nguyệt Đức... Lão Tử thấy phong cảnh đẹp bèn cắm trang ở đây, đặt tên là Thổ Hà trang. Sau khi lập trang ông ta còn mở trường truyền đạo cho các đồ đệ, nhà trường nay là chùa Đoan Minh. Lão Tử có nhiều phép màu trừ hung sát quỷ.
Đương khi Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhưng thành cứ xây lên, sáng dậy lại bị đổ, bởi thần Kim Kê ở núi Thất Diệu trêu cợt. Vua nghe thấy ở trang Thổ Hà có người biết trừ hung sát quỷ bèn cử sứ giả lại mời. Lão Tử nhận lời, rồi đi đến núi Thất Diệu sai Thanh Giang sứ hiện thành rùa vàng vào rừng trừ yêu quái, lại thư phù vào lá trúc thả xuống sông cho trôi khắp mọi nơi xua yêu quái. Nhờ vậy, nửa tháng đã xây xong thành Cổ Loa, Lão Tử cáo từ ra về, được An Dương Vương ban thưởng rất hậu".
Triết gia nổi tiếng Lão Tử Lý Nhĩ Đam ít nhất cũng sống vào quãng thế kỷ VI-V trước Công nguyên, lại cùng thời kỳ với vua Thục ở Cổ Loa. Như vậy nhà Thục của An Dương Vương có thể đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều so với nhận định hiện tại vào năm 257 trước Công nguyên?
Rõ ràng rằng trong sử Việt nhà Thục không phải chỉ có 1 vị vua, mà là một triều đại kéo dài vài trăm năm, qua nhiều đời vua, đều xưng là An Dương Vương.
An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ đã định đô ở Cổ Loa
Khai quật các di tích ở Cổ Loa đã chứng tỏ rằng nơi đây là một trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, với những hiện vật điển hình như trống đồng Cổ Loa. Văn hóa Đông Sơn hiện nay được gắn với thời kỳ Hùng Vương, nhưng nếu xét về niên đại, nền văn hóa khảo cổ này bắt đầu từ quãng thế kỷ VI trước Công nguyên kéo dài đến đến thế kỷ I thì đây phải là giai đoạn của nhà Thục mới đúng. Thời kỳ Hùng Vương dựng nước bắt đầu từ những mốc thời gian sớm hơn nữa, ít nhất là từ văn hóa Phùng Nguyên, tương ứng với 4.000 năm lịch sử.
Đền Thượng ở Cổ Loa được gọi là "Tiên từ đệ nhất", như dòng chữ ghi trên các lớp nghi môn trong và ngoài của đền. Tại sao đền thờ An Dương Vương lại là "Tiên từ"? An Dương Vương trở thành "Tiên" khi nào?
Ngẫm nghĩ sâu hơn về ý nghĩa thì phải chăng chữ Tiên ở đây có ý chỉ An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi trong truyền thuyết. Dòng Tiên có biểu tượng là chim Phượng. Nghi môn nội của của ngôi đền Thượng Cổ Loa cũng có đắp cặp phượng chầu mặt trời ở trên mái, điều hiếm thấy đối với một đền thờ nam thần. Điều này dường như nhấn mạnh rằng An Dương Vương thuộc về dòng Tiên.
Đặc trưng của các trống đồng Đông Sơn là hoa văn hình những con chim lớn đang bay lượn. Các sách vở gần đây gọi hình chim đó là "chim Lạc", không rõ tại sao. Thực tế hoàn toàn không có loài chim Lạc, cũng như trong các thư tịch đều không hề nói đến tên gọi đó. Đây chính xác phải gọi là chim Phượng, biểu tượng của dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi. Lạc là dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển, biểu tượng là con Rồng.
An Dương Vương là "Tiên đệ nhất", nghĩa là người đứng đầu (làm vua) dòng Tiên. So với truyền thuyết họ Hồng Bàng, khi người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, lập nên nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương thì An Dương Vương tương ứng với vị vua Hùng đã dựng nên nước Văn Lang.
Thục An Dương Vương được ghi trong các ngọc phả truyền lại là người cùng dòng dõi của các vị vua đời trước, tức cũng là dòng Hùng Vương. Nhà Thục cần được xem là một trong những giai đoạn của thời đại Hùng Vương, kế tiếp giai đoạn các Lạc Vương trước đó. Thục Vương là dòng Âu (theo mẹ Âu Cơ), xuất phát từ vùng Ai Lao (là vùng Vân Nam ngày nay, nơi vẫn còn rặng núi Ai Lao Sơn) đã tiếp quản cơ nghiệp của dòng Lạc trên vùng Bắc Việt, lập nên quốc gia hợp nhất Âu và Lạc.
Các lớp thành quy mô nhất của Cổ Loa được xây dưới thời Tần Triệu
Tấm bia thời Lê năm Chính Hòa thứ 10 (1689) có tên "Chính Pháp điện thạch bi" ở đền Thượng Cổ Loa chép: "Đại Việt suy tôn An Dương Vương là hoàng đế, khởi từ đất Ba Thục, định đô ở Phong Khê, lấy nỏ rùa thần đuổi quân Tần, xây thành trĩ mà cố thủ, ngàn dặm nhập vào nước Âu Lạc ta".
Theo tấm bia này thì việc An Dương Vương dùng nỏ thần là để chống lại quân Tần, chứ không phải Triệu Đà như trong truyền thuyết thường kể. Vậy Triệu Đà trong truyền thuyết thực ra là chỉ quân Tần vì nhà Tần vốn mang họ Triệu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, thủy tổ của Tần là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương và được phong đất ở Triệu thành, từ đó lấy tên đất làm họ.
Ở am thờ công chúa Mỵ Châu trên bảng gỗ có khắc một bài thơ cổ, có đoạn thơ được dịch như sau:
"Thành hoang khuất khúc xanh rì cỏ
Việc cũ đau lòng biết hỏi ai?
Tần Việt nhân duyên thành cập oán
Non sông vận kiếp tới mày ngài".
Điều lạ là bài thơ gọi mối tình của Mỵ Châu và Trọng Thủy là "Tần Việt nhân duyên". Công chúa Mỵ Châu là Việt thì đã rõ. Còn lại, Trọng Thủy phải là hoàng tử của vua Tần, họ Triệu.
Câu chuyện tình ngang trái Mỵ Châu – Trọng Thủy là kể về sự kết thúc của nhà Thục bởi sự tấn công bất ngờ của quân Tần. An Dương Vương từng xây thành đắp lũy để chống Tần, nhưng cuối cùng cơ đồ đã mất. Tần chiếm được Cổ Loa thành, kinh đô phồn hoa bậc nhất khu vực phương Nam khi đó.
Báo cáo khảo cổ thành Cổ Loa cho biết, các bức thành chính được xây ở quãng thế kỷ thứ III trước Công nguyên chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu đắp bằng cách đổ đất. Giai đoạn sau là áp dụng "công nghệ" nện đất, tương tự với kỹ thuật đắp thành ở phương Bắc khi đó. Với lớp đắp ở thành Trung cao tới 2,5m, rộng 24 m, các nhà khảo cổ đã tính toán lượng nhân công huy động cho đắp thành lên tới hàng triệu người. Vậy nếu lớp thành đầu được xây bởi An Dương Vương thì lớp thành tiếp theo phải là do nhà Tần xây dựng. Chỉ có nhà Tần vào giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên mới đủ tiềm lực, nhân lực để xây nên tòa thành lớn nhất Đông Nam Á này.
Trong đền Thượng Cổ Loa có ban thờ quan Tứ trụ triều đình. Một trong 4 vị tứ trụ này là Hữu Thừa tướng Lý Ông Trọng. Đức thánh Chèm Lý Ông Trọng được biết rõ là một đại tướng của nhà Tần, lấy con gái của Tần Thủy Hoàng là Bạch Tĩnh Cung công chúa và được cử đi trấn thủ người Hồ ở đất Lâm Thao. Xem vậy thì người đã trấn thủ Loa thành dưới thời Tần, không ai khác chính là Lý Ông Trọng, phò mã của Tần Thủy Hoàng.
Bên trên của lớp thành thế kỷ III trước Công nguyên ở Cổ Loa có gặp một lớp ngói đặc trưng, được gọi là ngói Cổ Loa. Tuy nhiên, nhận định của nhiều nhà khảo cổ lại cho biết những tấm ngói này về hoa văn và cách chế tạo giống với ngói ở mộ Triệu Văn Đế bên nước Nam Việt. Cũng tại Cổ Loa đã phát hiện hàng trăm mũi tên đồng và cả một lò đúc đồng cổ, nhưng chúng lại có niên đại cỡ đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Đây là niên đại thách thức đối với các nhà khảo cổ, vì như thế rõ ràng người đúc tên và người xây thành không phải là một, cách nhau cả thế kỷ. Nói cách khác, những mũi tên Cổ Loa không thuộc về nước Âu Lạc của An Dương Vương, mà thuộc về nhà Triệu nước Nam Việt
Những phát hiện khảo cổ gần đây, càng đào lên càng thấy phải xem xét lại lịch sử về triều đại Thục An Dương Vương. Khi kết hợp kết quả khảo cổ học với các di tích và truyền thuyết dân gian lưu truyền ở tại địa phương sẽ cho một bức tranh chính xác hơn, rõ ràng hơn về Thục quốc từ mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang tới An Dương Vương xây thành Cổ Loa chống Tần, Triệu Việt Vương đắp thành dựng nước Nam Việt.
Câu đối trên nghi môn ngoài của đền Thượng Cổ Loa như một câu hỏi ngàn năm về triều đại vua Thục An Dương Vương:
Lăng Chiêu tùng bách giờ đâu nhỉ?
Non sông nước Thục đó cung xưa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google