Cú lừa mang tên "BĐS Nhật Nam" - Nỗi buồn cho sự trả giá đắt

Quang Minh
13:02 - 03/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

20.000 cá nhân nộp tới gần 9.000 tỷ đồng cho công ty bất động sản để cùng nhận một kết cục đau buồn: Mất toàn bộ số tiền đầu tư. Họ đã thiếu may mắn khi sập vào một chiếc bẫy không mới, nhưng không dễ dàng bỏ qua.

Nhà đầu tư cần được hiểu rõ lý thuyết đầu tư, dòng tiền ra-vào của doanh nghiệp để quyết định

Những ngày gần đây, thông tin vụ việc công ty Bất động sản (BĐS) Nhật Nam lừa đảo đang khiến dư luận dậy sóng. Đặc biệt, trong số những nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào "dây chuyền" đầu tư của Nhật Nam đã không thể nhận ra những chiêu lừa đảo hoàn toàn không mới, nhưng không dễ nhận biết để bỏ qua. 

Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, dàn nhân sự từ nhân viên tư vấn tới CEO của Nhật Nam đã lợi dụng những bản hợp đồng hợp tác kinh doanh để lừa đảo 20.000 nhà đầu tư trong những năm từ 2020 đến 2022. Số tiền bị lừa lên tới gần 9.000 tỷ đồng; thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng)... 

Những con số này thật đáng báo động, đủ để reo một hồi chuông cảnh tỉnh tới những ai còn cả tin vào những mô hình bán hàng hứa hẹn mang tới nhiều lợi nhuận mà không rõ nguồn gốc, tiền từ đâu ra.

Cú lừa mang tên "BĐS Nhật Nam" - Nỗi buồn cho sự trả giá đắt - Ảnh 1.

Bất cứ một doanh nghiệp nào, khi giới thiệu sẽ luôn đưa ra những hình ảnh bắt mắt, thông tin dự án "khủng" để thuyết phục khách hàng. Ảnh minh hoạ: IT

Bất cứ một doanh nghiệp nào, khi giới thiệu "profile" sẽ luôn đưa ra những hình ảnh bắt mắt, thông tin dự án "khủng" để thuyết phục khách hàng, đặc biệt trong những sự kiện mang tính quảng bá, gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi nhìn vào những số liệu, cần có những phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng những chỉ số cụ thể, mới có thể đem lại sự tin cậy, minh bạch.

Một báo cáo tài chính đầy đủ của các doanh nghiệp, công ty đều cần được thể hiện rõ các chỉ số hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cũng cần khoảng thời gian đủ dài để chứng minh khả năng sinh lời và gia tăng nguồn vốn. 

Qua những báo cáo tài chính từng tháng, từng quý, từng năm... những số liệu đều được niêm yết minh bạch và công bố rộng rãi, việc của nhà đầu tư là phải xem xét, nắm rõ các số liệu cơ bản đo hiệu suất hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, các số liệu thể hiện được tỷ trọng phân bổ các khoản đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các khoản lợi nhuận phát sinh hiệu quả của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh so với dòng tiền của tổng các hoạt động. Từ đó, xác định rõ được hiệu quả của dòng tiền trong doanh nghiệp, sau đó nhà đầu tư sẽ hiểu được tiền mình đầu tư sẽ đi về đâu và sinh lời như thế nào.

Nếu doanh nghiệp hoạt động không có sản xuất, kinh doanh thực, mà chỉ dựa trên các khoản "hoa hồng" được hứa chi trả cho nhà đầu tư mức trước cao hơn mức sau, lợi nhuận được sinh ra từ việc giới thiệu nhiều hơn nữa các nhà đầu tư... thì cần xem xét một cách nghiêm túc. Vì sớm muộn đây cũng là những tín hiệu của một sự lừa đảo có tính hệ thống. 

Trở lại câu chuyện nhà đầu tư đã dính bẫy Nhật Nam là những bài học không mới, tuy nhiên, khoản hoa hồng mà Nhật Nam hứa hẹn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, bởi có người đã huy động cả gia đình ký tới hàng chục bộ hợp đồng hợp tác kinh doanh để được có những mức trả thưởng hoa hồng "mơ ước". 

Thật buồn vì họ không kịp nhận ra rằng, hoa hồng đó từ đâu mà ra? 

Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Vũ Thị Thuý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại BĐS Nhật Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, lợi dụng những bản hợp đồng hợp tác kinh doanh, công ty Nhật Nam đã huy động gần 9.000 tỷ đồng, trong đó đã dùng hơn 2.200 tỷ đồng để chi trả tiền hoa hồng cho ban lãnh đạo, ban cố vấn và các nhà môi giới.

Theo lời khai của CEO của Nhật Nam Vũ Thị Thúy, Công ty Nhật Nam đầu tư số tiền khoảng 150 tỷ đồng để mua nhiều bất động sản, tuy nhiên thực tế các tài sản này đều chưa sinh lợi? Thực tế những hình ảnh quảng cáo tài sản bất động sản của Công ty Nhật Nam đều có phần không tồn tại. Không có dự án, bất động sản nào tại các tỉnh Hòa Bình, Bình Thuận... hay nhiều dự án quy mô lớn khác như quảng cáo cho các nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư không bao giờ nên ..."liều đầu tư"

Sự lừa đảo trắng trợn của Nhật Nam đã rõ, tuy nhiên bài học mà mỗi nhà đầu tư nhận lại là một sự trả giá quá đắt cho những tin tưởng được đặt nhầm chỗ. Trong câu chuyện đầu tư, hẳn ai cũng mong muốn tiền bạc của mình sinh lời một cách nhanh chóng. 

Nhưng nhanh chóng và bền vững là hai chuyện khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Có hay không, một doanh nghiệp có thể chi trả những khoản "hoa hồng" kếch xù có khả năng "nhân lên" một cách nhanh chóng mà không dựa vào bất cứ việc đầu tư thực tế nào được báo cáo một cách cụ thể. Được biết, Nhật Nam đã sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.291 tỷ đồng..., chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng... đều là những con số lợi nhuận đáng mơ ước của bao người. 

Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo gia tăng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt với chiêu thức mời gọi ký hợp đồng hợp tác đầu tư sinh lời cao không phải chiêu trò mới, nhưng sự hấp dẫn của khả năng sinh lời khiến nhà đầu tư dễ bị lợi dụng và rơi vào cạm bẫy. Vì vậy, nhà đầu tư cần cảnh giác với tất cả các hình thức kêu gọi đầu tư, tiền không sinh lời mà lại thành mất thật  - đó sẽ là trái đắng.