“Công thức” tạo nên lời chúc Tết có văn hóa

Đắc Quang - Ngọc Ánh
18:00 - 19/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

“Nhiều bạn trẻ lấy một hình ảnh nào đó trên mạng xã hội, tải xuống, sau đó gửi cho nhiều người để chúc Tết mà quên mất đối tượng tiếp nhận là ai”.

Chúc Tết là nét văn hóa đẹp của người Việt. Thông qua lời chúc, mỗi người có thể gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả những mong ước tốt lành sẽ đến với người nhận. Một lời chúc Tết hay, ý nghĩa không chỉ nằm ở bề mặt câu chữ mà còn hội tụ nhiều yếu tố khác.

Những yếu tố đó là gì? "Công thức" nào để tạo nên lời chúc Tết ấn tượng và phát huy hết ý nghĩa của nó?

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) để tìm lời giải cho những câu hỏi trên.

“Công thức” tạo nên lời chúc Tết có văn hóa - Ảnh 1.

Thăm hỏi, chúc tụng người thân, bạn bè,... là phong tục đẹp trong Tết Nguyên Đán.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Người Việt Nam nào cũng biết đến phong tục chúc Tết. Song, không phải ai cũng hiểu rõ và thực hành đúng. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Bạn đang đặt một vấn đề mà tôi cũng băn khoăn. Nhiều năm trở lại đây, phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, internet phát triển mạnh mẽ khiến người ta lạm dụng nó.

Rất nhiều người bây giờ không đến nhà nhau chúc Tết trực tiếp hoặc gặp nhau để nói những lời chúc Tết nữa. Bây giờ, người ta ngồi ở nhà có thể gửi tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, những tin nhắn automatic (tự động), nội dung như nhau, chỉ có thay đổi đi một chút. Nếu người nào cẩn trọng thì có thêm một lời đề từ, có một lời thưa gửi, còn nếu như không thì ghi "chúc xuân an khang thịnh vượng", cứ thế là họ chuyển đi.

“Công thức” tạo nên lời chúc Tết có văn hóa - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh: Ngọc Ánh

Tôi nghĩ những thay đổi thời đại cũng là tất yếu khách quan mà chúng ta cũng phải chấp nhận.

Tuy nhiên, tôi vẫn mong chúng ta nên có thời gian dành cho nhau để trực tiếp gặp mặt. Vì khi chúng ta nói những lời chúc Tết, chúng ta không chỉ nói bằng ngôn từ mà chúng ta nói bằng cả ánh mắt, cử chỉ.

Và khi chúng ta trao truyền cho nhau năng lượng sống, năng lực tích cực thông qua những cử chỉ thân thiện, ấm áp từ ánh mắt, nụ cười thì ý nghĩa của lời chúc lớn hơn rất nhiều so với bản thân câu chữ thể hiện trong những lời chúc đó.

Người tiếp nhận sẽ cảm thấy được tiếp thêm một nguồn năng lượng. Người gửi cũng cảm thấy vui vẻ, bởi đó là những lời xuất phát từ trái tim, sẽ được tiếp nhận từ những con tim đã mở rộng cánh cửa để sẵn sàng tiếp đón.

Lời chúc Tết rất có ý nghĩa. Vì Tết là dịp khai xuân, bắt đầu cho một chu trình mới. Những lời chúc tốt đẹp mang theo khát vọng của mỗi người. Khát vọng đấy không chỉ cho người nhận và dành cả cho những người chúc nữa.

Có người đã nói với tôi thế này: bây giờ người ta không mặn mà những lời chúc Tết nữa, mình có thể gửi những tin nhắn cũng không sao.

Tôi nghĩ là tin nhắn cũng được. Tuy nhiên, cách gửi tin rất quan trọng. Nhiều bạn trẻ lấy 1 hình ảnh nào đó trên mạng xã hội, tải xuống, sau đó gửi cho nhiều người để chúc Tết mà quên mất đối tượng tiếp nhận là ai.

Nếu tin nhắn đó được gửi đến bạn bè thì không cần những lời chú giải thêm. Nhưng nếu gửi cho những người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ, thầy cô,… thì chúng ta nên kèm theo một lời chúc nữa là "nhân dịp mừng xuân năm mới, con kính chúc thầy cô/ ông bà/ cha mẹ… để người ta thấy là tin nhắn đó đã gửi đúng địa chỉ và đó là mối quan hệ quan trọng trong tâm thức của người gửi.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Người ta thường chúc nhau những gì và thế nào là một lời chúc Tết ý nghĩa, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Thường người ta chúc đầu tiên là sức khỏe, thứ 2 là sự an lành, hạnh phúc hoặc có thể chúc an khang, thịnh vượng, và rất nhiều điều khác. Nội dung những lời chúc phụ thuộc vào 2 yếu tố:

Yếu tố thứ nhất: đâu là giá trị mà người chúc nghĩ là cần thiết, yếu tố này phụ thuộc vào quan niệm sống của người chúc.

Ví dụ với tôi, giá trị lớn nhất của đời người là sức khỏe, bởi bây giờ, với tuổi của chúng tôi, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Sức khỏe đây được hiểu là sức khỏe thể lực và sức khỏe tinh thần.

Cho nên khi chúc năm mới sức khỏe thì có nghĩa là chúc cho an lành, hạnh phúc, chúc cho khát vọng cả về mặt thể lực, lẫn tinh thần. Sức khỏe của một cá nhân sẽ quyết định sức khỏe của cộng đồng, của quốc gia dân tộc.

Đối với thương nhân thì người ta có thể chúc thành đạt, đối với sinh viên có thể là chúc kết quả học tập tốt, với trẻ em thì người ta có thể chúc là ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn; đối với những người lớn tuổi, người ta chúc họ tuổi thọ sẽ cao,…

Nội dung lời chúc còn phụ thuộc vào yếu tố thứ 2, đó là đối tượng lời chúc, bao gồm đặc điểm về mặt tâm lý, tính cách, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp... Ví dụ bây giờ các bạn chúc tôi có tình yêu khởi sắc, thì rõ ràng không phù hợp.

Nhưng tình yêu đó rất cần trong các lời chúc đối với các bạn trẻ, vì như Xuân Diệu nói "Hãy để trẻ con nói vị ngon của kẹo, hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu".

Đối với những các nhà khoa học thì chúng ta chúc sự nghiệp nghiên cứu, cống hiến với đất nước, với xã hội. Đối với thầy cô có thể chúc thành đạt trong sự nghiệp, hết mình vì học trò.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tiến sĩ có lưu ý gì với các độc giả của Tạp chí Công dân và Khuyến học khi chúc Tết?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Cái lưu ý lớn nhất của tôi muốn dành cho các bạn đó là, lời chúc phải bắt đầu từ trái tim, thông qua cử chỉ, hành động phù hợp.

Có nhiều người nói lời chúc cứ hờ hững từ đầu môi. Có người nói lời chúc nhưng không nhìn vào mặt người tiếp nhận. Có người nói lời chúc mà bàn tay hờ hững buông xuôi. Người nghe sẽ có cảm giác như chúc cho xong. Lời chúc ấy không có ý nghĩa, không có giá trị, không có trọng lượng.

Lời chúc phải bắt đầu từ trái tim, thông qua cử chỉ, hành động phù hợp
Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng

Thứ 2, khi nói lời chúc, tôi nghĩ chúng ta nên nói những điều giản dị, ấm áp, không cần thiết phải nói những lời hoa mĩ.

Có những người còn cẩn thận đến mức chuẩn bị những lời chúc bài bản, quy mô. Người nghe sẽ cảm thấy bị sáo rỗng, chúng ta không nên văn bản hóa lời chúc.

Và một cái nữa, lời chúc phải đúng lúc, đúng nơi. Ví dụ, khi trạng thái của người đối diện mình đang buồn, mà chúng ta cứ hồn nhiên, suồng sã để nói những lời chúc thì không phù hợp.

Cho nên phải cân bằng trạng thái tâm lý, và thời điểm chúc cũng sẽ quy định nội dung chúc sao cho phù hợp.

Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng về những chia sẻ bổ ích!

Bình luận của bạn

Bình luận